Việt Nam tham gia TPP: Nông nghiệp còn 10 năm để chuẩn bị

ANTĐ - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại buổi công bố một số thông tin về TPP chiều 9-10. 

Việt Nam tham gia TPP: Nông nghiệp còn 10 năm để chuẩn bị ảnh 1Nông nghiệp Việt Nam tìm hướng đi riêng trong TPP

Cạnh tranh với thịt lợn, thịt gà TPP

Nông nghiệp được đánh giá là lĩnh vực sẽ gặp nhiều thách thức nhất của Việt Nam khi tham gia TPP. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, với một số loại nông sản mà một số nước trong TPP như Australia, New Zealand, Chile, Hoa Kỳ có thế mạnh (thịt lợn, thịt gà…) sức ép cạnh tranh khá lớn khi thuế được đưa về 0%. Đây đều là những mặt hàng nước ta sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu. 

Trên thực thế, tháng 8 năm nay, các hộ chăn nuôi Việt Nam đã một phen điêu đứng khi thịt gà Mỹ siêu rẻ tràn vào Việt Nam, khiến thịt gà chăn nuôi trong nước ế ẩm, không cạnh tranh được. Với mặt hàng thịt bò, những năm gần đây, bò nhập khẩu từ Australia có giá thấp hơn bò Việt Nam. Trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, thịt lợn, thịt gà và thịt bò đều là món ăn chủ yếu, được sử dụng phổ biến, hàng ngày nên nếu thịt từ TPP với thuế suất 0% tràn vào, sẽ tạo ra thách thức lớn đối với sản xuất trong nước.

Theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi trong nước không có lợi thế cạnh tranh nào khi tham gia TPP. Ngành chăn nuôi các nước khác đều mạnh và chuyên nghiệp hơn. “Lâu nay mới chỉ là hé cửa mà thịt ngoại đã vào nhiều như vậy, nếu cửa mở toang thì hàng nhập khẩu sẽ vào ồ ạt” - vị này dự báo. 

Không riêng gì lĩnh vực chăn nuôi, báo cáo sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, một số sản phẩm nông nghiệp khác như: sữa, đậu tương, ngô và một số nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc… cũng gặp khó khăn dù mức độ không lớn. Những sản phẩm này hiện Việt Nam phải nhập khẩu với số lượng lớn nhưng đã quen cạnh tranh. 

Tìm thế mạnh riêng

Ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty TNHH thương mại và chế biến thực phẩm Thông Tấn cho rằng, TPP sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Môi trường này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ở trình độ cao hơn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nếu không sản xuất được hàng hóa có giá trị, doanh nghiệp sẽ bị loại bỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam lâu nay vẫn manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, do đó hiệu quả thấp. “TPP cho thấy, Nhà nước cần hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp bằng vốn, khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh” - ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Chăn nuôi, ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung cần tìm được phân khúc sản xuất phù hợp khi TPP có hiệu lực. “Các nước đang nuôi gà trắng công nghiệp là chủ lực thì mình có thể nuôi gà đồi, gà thả vườn, nuôi lợn đặc sản… Nếu ta làm tốt, họ sẽ nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của chúng ta. Tuy nhiên, để làm được như vậy, cần sự định hướng của cơ quan quản lý”. Cũng theo vị này, dù lĩnh vực chăn nuôi có sức cạnh tranh yếu nhưng bù lại các loại nông sản khác như điều, hạt tiêu… lại thuận lợi. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đánh giá, mặc dù chưa có những thỏa thuận cụ thể về ưu đãi với từng nhóm hàng song về cơ bản, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng nhanh hơn hàng nhập khẩu, bởi hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trong TPP mang tính bổ sung, ít tính cạnh tranh. Gần đây, Việt Nam liên tiếp xuất siêu sang các thị trường này. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, nông nghiệp Việt Nam cũng đã hội nhập từ lâu.

Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “TPP cân nhắc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho thịt lợn, thịt gà nhưng lộ trình, mức giảm thuế chưa được công bố. Nhìn chung, tham gia các hiệp định thương mại tự do, ngành chăn nuôi chịu tác động không lớn như nhiều người nghĩ. Chúng ta còn có 10 năm nữa để chuẩn bị, cho đến khi thuế nhập khẩu giảm về mức 0%”.

Thu ngân sách sẽ không bị ảnh hưởng lớn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình của TPP cơ bản không gây tác động lớn và đột ngột tới thu ngân sách. Mặt khác, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế khác sẽ tăng lên do sản xuất, kinh doanh phát triển, không những đủ để bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách Nhà nước. 

Thực tiễn cho thấy, việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) và theo 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực không ảnh hưởng tiêu cực tới thu ngân sách. Tổng thu từ hàng nhập khẩu vẫn tăng đều hàng năm kể từ năm 2006. Với thuế xuất khẩu, do Việt Nam giữ lại thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng quan trọng như: dầu thô, than đá, một số loại khoáng sản kim loại nên dự kiến tác động đến thu ngân sách sẽ không đáng kể.

Hà Linh