Việt Nam nghiên cứu sản phẩm biến đổi gen
(ANTĐ) - Chiều qua 13-2, ông Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Nhằm nâng cao năng suất cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Theo đó, chúng ta thực hiện đến nay đã được hơn 2 năm”.
Tuy nhiên, theo ông Hàm, hiện một số dòng cây trồng biến đổi gen do các đơn vị nghiên cứu trong nước mới chỉ được đánh giá ở phòng thí nghiệm. Sau khi đánh giá xong trong phòng thí nghiệm, sẽ đánh giá trong nhà lưới, nhà kính và sau đó sẽ được đánh giá trên đồng ruộng. Bởi vậy, ông Hàm cho rằng, khoảng năm 2015 mới có giống cây trồng biến đổi gen của các nhà khoa học Việt Nam tạo ra.
Trên thế giới, từ năm 1996 đến năm 2008 đã trồng hơn 700 triệu hécta cây trồng biến đổi gen, đồng thời đã tạo ra hàng tỷ tấn lương thực, thực phẩm. “Cây trồng biến đổi gen chưa gây ra hiệu ứng cho bất cứ một người sử dụng nào.
Mặt khác, nó cũng chưa gây ra thảm họa hay tai họa nào cho môi trường. Bởi thế, tất cả những lo lắng về sản phẩm biến đổi gen chỉ là lo lắng về lý thuyết. Trên thực tế, cây trồng biến đổi gen là an toàn” - ông Hàm cho biết.
Hạ Quỳnh