Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu năm 2016 sẽ đạt mức kỷ lục 187 tỷ USD

ANTĐ - Năm 2016, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.  Để đóng góp vào mức tăng trưởng này, ngành Công Thương đặt kế hoạch xuất khẩu đạt 187 tỷ USD, tăng 10% so với 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%...

Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu năm 2016 sẽ đạt mức kỷ lục 187 tỷ USD ảnh 1Nhiều yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu năm 2016

Mục tiêu xuất khẩu không “về đích”

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, năm 2015, nhiều chỉ tiêu khai thác dầu, chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chỉ tiêu doanh thu không đạt được như kỳ vọng. Tổng doanh thu của PVN đạt 560.000 tỷ đồng do giá dầu giảm mạnh, nộp ngân sách đạt 115.000 tỷ đồng. Hiện nay, thực tế giá dầu đã giảm xuống khoảng 40 USD/thùng. Để ứng phó với sự sụt giảm này, lãnh đạo PVN cho biết Tập đoàn có kế hoạch cân đối khai thác từng mỏ với giá thành phù hợp từng thời điểm, tiết giảm chi phí… 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, tăng 2 điểm phần trăm so với kế hoạch năm (7,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, thấp hơn mục tiêu 10% đề ra hồi đầu năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2015, hàng loạt sản phẩm, mặt hàng vốn có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam đều gặp khó khăn do tác động của cung cầu trên thế giới. Ví dụ như dầu thô, dù chiếm kim ngạch lớn nhưng giá dầu sụt giảm liên tục từ cuối năm 2014 cho đến suốt năm 2015; than đá, khoáng sản có sự sụt giảm lớn cả về quy mô lẫn kim ngạch xuất khẩu do thị trường thế giới thu hẹp; các mặt hàng nông sản cao su, cà phê, gạo cũng do cung cầu không ổn định dẫn tới áp lực lớn cho Việt Nam. Vì vậy, tăng trưởng xuất khẩu không đạt được mục tiêu đề ra.

Tận dụng cơ hội năm 2016

Năm 2016, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Để đóng góp vào mức tăng trưởng này, ngành Công Thương đặt kế hoạch chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015; Xuất khẩu đạt 187 tỷ USD, tăng 10% so với 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%...

Ông Trần Tuấn Anh nhận định, mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra với xuất khẩu từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng Việt Nam vẫn có điều kiện thuận lợi để phát triển ngoại thương. Chẳng hạn, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, sản phẩm của Việt Nam; mở ra cơ hội để hình thành chuỗi giá trị trong và ngoài nước thông qua vốn đầu tư nước ngoài lẫn nguồn lực đầu tư trong xã hội; có điều kiện phát triển đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Hàng loạt cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan cho các sản phẩm sẽ mang lại thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, mô hình đầu tư, hoàn thiện môi trường thể chế chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.

“Những FTA hàm chứa nhiều nội dung không chỉ mở cửa thị trường mà chúng ta còn phải đổi mới mô hình tăng trưởng, quản lý Nhà nước. Điều này sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất cũng như tăng cường năng lực. Đây là cơ sở giúp cho doanh nghiệp, nền kinh tế 2016 khởi sắc hơn” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.        

Xuất khẩu dệt may phấn đấu đạt 30 tỷ USD

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2016 dự kiến đạt 8-10%, vì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) chưa có hiệu lực, nên chưa có thêm các cơ hội xuất khẩu dệt may.

Hơn nữa, giá bông sợi nhiều khả năng xuống thấp, kéo theo đơn giá sản phẩm dệt may có thể thấp hơn năm 2015. Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng sẽ khiến cạnh tranh trong ngành dệt may khốc liệt hơn. Tuy nhiên, với cơ hội mở rộng thị trường vào các nước thành viên hiệp định thì tăng trưởng sản lượng dệt may có thể đạt 11-12% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể lên tới 30 tỷ USD.