Việt Nam hội nhập không phải để các nước đến "nhờ" xuất khẩu

ANTD.VN - Ngày 20-12, Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập kinh tế quốc tế tổ chức Diễn đàn "Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017: Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo. 

Việt Nam chưa khai thác hết lợi thế hội nhập

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện.

Từ đó đến nay, Việt Nam không chỉ thực hiện tốt các cam kết trong khuôn khổ WTO mà còn chủ động đàm phán, tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết tiêu chuẩn cao (WTO +). Bên cạnh đó, với tư cách thành viên của các tổ chức quốc tế như: WTO, ASEAN, APEC, ASEM… Việt Nam đã và đang tham gia tích cực và đầy trách nhiệm vào các chương trình hợp tác quốc tế.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong giai đoạn 1997-2017, nền kinh tế tăng trưởng cao liên tục, GDP tăng gấp 8 lần, GDP năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD, đến 2017 ước đạt trên 220 tỷ USD, phấn đấu 2020 đạt 300 tỷ USD.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2007-2017 có ảnh hưởng không nhỏ đối với thể chế kinh tế nói chung và phương thức điều hành kinh tế - xã hội nói riêng.

Đáng chú ý là mặc dù mức tăng trưởng trung bình chỉ đạt 6,04%/năm trong giai đoạn 2007-2017 (thấp hơn so với 7,51%/năm trong 2000-2006), song chất lượng và đà phục hồi tăng trưởng kinh tế ngày một vững chắc hơn.

"Dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% - một trong bước phục hồi ấn tượng nhất trong nhiều năm qua. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phát huy vai trò của khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ"- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế cũng giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nhiều lĩnh vực khác. 

TS Vũ  Thành Tự Anh- Giám đốc nghiên cứu, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công và hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập kinh tế quốc tế. "Tuy nhiên, cần quan tâm đến phương thức hội nhập. Không nên là điểm đến trung gian để các doanh nghiệp FDI xuất khẩu nhờ, vì đây chưa phải phương pháp tốt"- ông Vũ Thành Tự Anh cho hay.

Vị chuyên gia này lấy dẫn chứng, qua nghiên cứu ngành điện tử của Việt Nam mà trọng điểm là 2 công ty Samsung và Intel, điều mà các chuyên gia phát hiện ra một cách nhất quán là trong chuỗi giá trị của nhà máy Intel và Samsung thì các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản không mặt trong các nhà cung ứng. Nhà cung ứng cấp 1 và 2 đa số là nhà cung ứng nước ngoài.

Trong khi đó, các doanh nghiệp này vẫn xuất khẩu và tận dụng được các ưu đãi từ việc Việt Nam tham gia các FTA.

Vì vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh, "Hội nhập cần đi đôi với nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao mức sống của người dân, chúng ta đã làm tốt nhưng có thể làm tốt hơn nhiều".

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, doanh nghiệp phải là nòng cốt. Khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển.

"Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần thúc đẩy các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.