Việt Nam chi hàng tỷ đô để nhập khẩu ngô

ANTD.VN - Trong khi xuất khẩu gạo năm 2016 đang hụt hơi trên tất cả các thị trường thì số lượng ngô được nhập về Việt Nam để làm thức ăn gia súc lại tăng đều qua các năm. Chỉ 8 tháng đầu năm 2018, nước ta đã chi tới gần 822 triệu USD để nhập khẩu ngô.

Việt Nam chi hàng tỷ đô để nhập khẩu ngô  ảnh 1Việt Nam ngày càng gia tăng nhập khẩu ngô thay vì sản xuất trong nước

Nhập 4,2 triệu tấn ngô

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính riêng trong tháng 7-2016, nhập khẩu ngô đạt 449.538  tấn, trị giá 90,5 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm lên 3,8 triệu tấn, trị giá 742,4 triệu USD. Ước tính 8 tháng đầu năm 2016, tổng chi phí nhập khẩu ngô lên tới 822 triệu USD với 4,2 triệu tấn.

Những thị trường nhập khẩu ngô chủ yếu của nước ta từ đầu năm đến nay chủ yếu là Brazil và Argentina; trong đó, nhập từ Brazil là 2,07 triệu tấn, tương đương 399,9 triệu USD, nhập khẩu từ Argentina 1,45 triệu tấn, trị giá 270,5 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu ngô từ Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ và Lào. Trong đó, nhập khẩu ngô từ Lào tăng cả về lượng và kim ngạch, với mức tương ứng là 29% và 26%. 

Theo nhận định, do giá ngô nhập khẩu thấp hơn ngô sản xuất trong nước nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có xu hướng tìm đến nguồn cung nhập khẩu. Mức giá nhập khẩu bình quân trong 8 tháng đầu năm là 4.830 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá ngô trong nước - khoảng 7.000 đồng/kg. Năm 2015, Việt Nam cũng đã nhập khẩu 7,7 triệu tấn ngô với giá trị hơn 1,6 tỷ USD.

Tại Việt Nam, ngô được sử dụng như là nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi và thực phẩm tiêu dùng. Kể từ năm 2014, khi giá ngô thế giới thấp hơn giá ngô trong nước, Việt Nam đã nhập khẩu thêm một lượng ngô kỷ lục, vượt xa nhu cầu nội địa, gây áp lực rất lớn lên ngành sản xuất ngô trong nước.

Trong tháng 9-2016, dự kiến có khoảng 19 tàu nhập khẩu với số lượng khoảng 1 triệu tấn ngô từ Nam Mỹ về cập cảng Cái Lân (Hòn Gai, Quảng Ninh) chất thêm áp lực lên giá ngô nội địa. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, giá ngô Nam Mỹ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 nhập khẩu về cảng Cái Lân có khả năng tiếp tục hạ, trong khi đó, đây lại là thời điểm thu hoạch chính vụ tại các vùng trồng ngô lớn ở miền Nam và miền Bắc.

Hụt hơi xuất khẩu gạo

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu trong 8 tháng ước đạt 3,37 triệu tấn với kim ngạch 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về lượng và 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, trong đó, suy giảm mạnh nhất là tại thị trường Trung Quốc. Bà Đỗ Tuyết Mai, Phó trưởng Phòng Thương mại, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho hay, hiện thị trường Trung Quốc vẫn trong đà giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của nước ta. Ngoài giảm về nhập khẩu chính ngạch, phía Trung Quốc cũng tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, càng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu truyền thống như Philippines, Indonesia và Malaysia cũng không đạt như kỳ vọng vì không có hợp đồng lớn. Xuất khẩu gạo vào các thị trường này liên tục ghi nhận mức giảm mạnh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định, tiêu thụ gạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, cả về xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch. Chính vì vậy, việc tháo gỡ thị trường đầu ra được Bộ đặc biệt quan tâm. Mới đây, Bộ đã ký xong Nghị định thư về gạo và chuẩn bị đón đoàn Trung Quốc sang khảo sát tình hình sản xuất, chế biến gạo vào tháng 11 tới. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương khai thác thị trường tiềm năng khác.

Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối nhìn nhận, giá gạo xuất khẩu hiện đang ở mức thấp trong nhiều tháng do nguồn dự trữ dồi dào, khách hàng lại đang tìm gạo rẻ hơn từ Pakistan và Myanmar. Đáng nói, với thị trường nội địa, việc trúng thầu 150.000 tấn gạo cho Philippines vừa qua cũng không tạo ra tác động gì lớn. Giá lúa gạo tiếp tục giảm, nguyên nhân được cho là lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn dự trữ hiện tại. Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường gạo của Việt Nam những tháng cuối năm 2016 tiếp tục gặp nhiều khó khăn.