Việc làm sẽ tiếp tục căng thẳng
(ANTĐ) - Áp lực việc làm sẽ tiếp tục căng thẳng trong giai đoạn tới bởi lực lượng lao động vẫn tăng hơn so với tăng trưởng thị trường việc làm. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ thiếu lao động nếu vấn đề tiền lương, quan hệ lao động, điều kiện làm việc không được thay đổi...
Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lao động tại nông thôn để chuyển dịch cơ cấu và tăng năng suất (trong ảnh: làm tranh gỗ tại Bắc Ninh) Ảnh: Phú Khánh |
Khó khăn việc làm
Theo phân tích mới đây của Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại buổi công bố “Xu hướng Lao động và Xã hội Việt Nam 2009 - 2010” cho thấy, giai đoạn năm 2000-2007 tăng trưởng việc làm trung bình của Việt Nam hàng năm khoảng 1,03 triệu nhưng cùng giai đoạn đó thì lực lượng lao động tăng bình quân 1,06 triệu người mỗi năm. Qua đó có thể thấy, việc làm cho lao động Việt Nam vẫn sẽ gặp khó khăn, bởi tăng trưởng việc làm thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động.
Gần đây người ta mới phát hiện ra việc làm ở khu vực phi chính thức (nằm ngoài khu vực quốc doanh) đang đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động Việt Nam, chiếm khoảng 90% lực lượng lao động có việc làm. Đặc biệt, khu vực này đã tạo được khoảng 91% việc làm trong nền kinh tế giai đoạn 2000-2007. Thế nhưng, thực tế cho thấy, hiện tại khu vực lao động phi chính thức là khu vực thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn, nhưng lại là lưới đỡ tốt cho những người thất nghiệp trong cả giai đoạn dài, đặc biệt là trong thời kỳ suy giảm kinh tế năm 2008 và 2009 vừa qua.
Chất lượng việc làm trong khu vực phi chính thức rất hạn chế, năng suất thấp. Lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức (tới 95,7%) không có hợp đồng lao động. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam nếu muốn dịch chuyển số lao động này sang khu vực chính thức nhằm nâng cao mức sống và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đáng lưu ý là số lao động nữ tham gia khu vực công nghiệp tương đối thấp so với nam giới, việc làm của lao động nữ trong ngành công nghiệp chỉ chiếm 41,7% tổng việc làm trong ngành này trong năm 2007. Tỷ lệ lao động làm công ăn lương đã tăng từ 14,8% (năm 2000) tới 22,6% (năm 2007) và sự mở rộng của khu vực công nghiệp chế tạo của Việt Nam là tích cực nhưng tỷ trọng việc làm bấp bênh đặc biệt cao, nữ giới tham gia vào công việc gia đình không được trả lương lớn hơn nam nhiều lần...
Thiếu lao động có trình độ và năng suất
Theo nhận định của ILO, thời kỳ qua, Việt Nam đã dựa vào giá nhân công rẻ để phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và hướng tới xuất khẩu như dệt may giày da. Đây sẽ không còn là một lợi thế so sánh trong những năm tới khi Việt Nam chuyển dịch lên mức cao hơn trong chuỗi giá trị của các mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu với công nghệ kỹ thuật cao và thâm dụng vốn. Xu hướng sử dụng lao động rẻ đã làm giảm các chi phí sản xuất cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, những DN này sẽ ngày càng gặp khó khăn trong xuất khẩu và hấp dẫn thị trường quốc tế khi xu hướng sản xuất ngày càng sử dụng công nghệ tiên tiến và lao động có tay nghề cao. Chính vì thế, DN rất cần những lao động có trình độ và năng suất.
Hiện việc làm trong nông nghiệp của Việt Nam giảm từ 65,3% trong năm 2000 xuống 52,2% năm 2007, do người lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù sự dịch chuyển sang các khu vực có năng suất cao hơn giúp cho tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1% năm, năng suất lao động nhìn chung vẫn khá thấp và chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình trong ASEAN và khoảng 1/10 mức năng suất của Singapore. Nhiều vấn đề an sinh xã hội đặt ra trong bối cảnh thị trường lao động vận hành chưa tốt đó là nhiều nhóm lao động cận nghèo tại các vùng nông thôn đối mặt với nguy cơ tái nghèo do dịch bệnh, thiên tai và mất việc làm. Như vậy, vấn đề lớn cần phải giải quyết là mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội ra khu vực phi chính thức và thực thi hiệu quả các chính sách bảo trợ xã hội, giảm nghèo trong thời gian tới.
Huệ Chi