Vì tương lai trẻ tự kỷ
(ANTĐ) - Một sáng cuối đông, ngoài trời gió và rét, chúng tôi tìm đến số nhà 497 đường Thụy Khuê. Những em bé khoảng 3-4 tuổi được bao bọc kín mít, nào khăn, áo, mũ, ba lô, được mẹ chở đến lớp học rồi lại vội vã đến công sở cho kịp giờ. Đều đặn mỗi sáng và chiều như thế. Hẳn trong lòng họ, bao niềm hy vọng đang được nhóm lên cho tương lai của đứa con nhỏ bé. Và người mà các ông bố bà mẹ đặt nhiều hy vọng và niềm tin, có thể làm cho con họ tiến bộ là cô giáo Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Vì tương lai trẻ tự kỷ.
Ngôi nhà không có biển hiệu, cũng chẳng có một dòng quảng cáo. Nhưng bên trong thì thật ồn ào, náo nhiệt với khoảng 20 trẻ từ 3-6 tuổi. Bé thì đang khóc hết nước mắt vì đây là buổi học đầu tiên, bé thì lặng lẽ xách can nước đi vòng quanh nhà, bé đang gấp quần áo, bé khác xếp từng chiếc ba lô của các bạn lên giá, bé thì đang trồng cây chuối... Bên cạnh đó là 6 cô giáo dạy từng bé các bài tập vận động.
Cô giáo Nguyễn Ngọc Bích đang hối hả xếp bàn ghế để các bé chuẩn bị tô màu. Chứng kiến mới thấy rằng, phải rất kiễn nhẫn và yêu nghề, họ mới trụ vững với nghề nuôi dạy trẻ vốn “chẳng biết gì” như thế này.
Năm 1999, tốt nghiệp khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ngọc Bích về làm việc tại Bệnh viện Xanh pôn với công việc trị liệu tâm lý. Chính khoảng thời gian hơn 2 năm được tiếp xúc và chữa trị các em bé bị bệnh về tâm lý đã cho Bích nhiều kinh nghiệm. Năm 2002, Bích bắt đầu công việc trị liệu cho trẻ em tự kỷ bằng cách rất phổ thông - đăng báo. Khi lớp học đông dần, Bích thu nhận thêm những bạn học Tâm lý về làm giáo viên.
“Khoảng thời gian đó thật không dễ dàng, vì không có cơ sở nên mình phải đi thuê địa điểm nhưng nhiều gia đình đã từ chối với lý do nhà tôi không phải là nơi mở trại tâm thần. Khi thuê được rồi thì thấy các con la hét, khóc lóc..., các nhà hàng xóm còn sang chửi bới, kiện ra phường. Năm 2003, mình tham gia chương trình “Khởi nghiệp” của VTV3 và nhận được sự tài trợ của ban tổ chức. Mọi người biết đến nhiều hơn nhưng do khuôn khổ lớp học, mình không thể nhận nhiều em, có phụ huynh còn nói: Cô mở ra mà không nhận thì mở làm gì, thế mới buồn chứ. Bây giờ cô trò đã có 2 cơ sở với tổng số gần 50 học sinh và 18 cô giáo”.
Trong số 50 học sinh có nhiều em từ TP. HCM, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương... về Hà Nội để chữa bệnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có hàng nghìn trẻ bị tự kỷ, riêng Hà Nội khoảng 4.000-5.000 em. Biểu hiện của trẻ tự kỷ thường bắt đầu từ khi lên 2 tuổi: chơi một mình, hay cáu gắt, la hét, đập phá, chậm nói, chậm đi, không ăn, không ngủ...
Tuy nhiên phương pháp chữa trị duy nhất vẫn là trị liệu tâm lý. Với những trường hợp nhẹ, vài tháng đến một năm đã khỏi bệnh, nhưng có nhiều em phải điều trị nhiều năm. Quan trọng nhất là trẻ được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời.
Vừa dạy, Bích vừa chỉ vào từng em: Đây là bé Duy, khi mới đến đây bé không biết ăn, suốt ngày la hét, bố mẹ bảo bé đã bỏ ăn mấy tháng, chỉ sống bằng nước và bimbim. Các cô phải giữ đầu, giữ cổ bón cho từng thìa cháo. Giờ bé đã biết ăn bình thường, biết gấp quần áo, biết nghe lời, bố mẹ cũng rất vui vì con tiến bộ. Còn đây là Hoàng, đến đây khi 4 tuổi mà chưa biết nói. Bằng các bài tập ngôn ngữ, sau 4 tháng cháu đã biết nói, sắp xếp ngôn ngữ theo trật tự...
Còn những bé phải xách nước kia là để giảm bớt tăng động. Trong sách, người ta còn bảo bé phải mặc những cái áo thật nặng nhưng bố mẹ thường không bao giờ làm thế nên con cái càng lâu khỏi. Những bé phải trồng cây chuối là do bé thiếu máu não, nếu luyện tập bé sẽ dễ ngủ hơn.
Hiện nay, những trung tâm chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong số đó, Bích vẫn là cô gái trẻ nhất. Mong muốn lớn nhất của cô là có một cơ sở ổn định để đầu tư sân chơi, phòng tập... cho các bé “vì cứ thuê như này bấp bênh lắm, cô trò thỉnh thoảng lại phải cuốn gói. Nhưng có lẽ đó vẫn chỉ là ước mơ thôi, chưa biết bao giờ thực hiện được giữa cơn “sốt” đất như bây giờ”.
Khánh Hòa