Vì sao phải dừng mua ngân hàng với giá 0 đồng?

ANTD.VN - Thay vì khôi phục ngân hàng yếu kém thì sẽ dùng chi phí này để hỗ trợ chi trả cho công chúng gửi tiền, đồng thời với việc giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Việc duy trì các ngân hàng 0 đồng tốn kém rất nhiều chi phí, công sức

Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4-2017 vừa được Chính phủ ban hành đã khẳng định, từ nay, Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc với giá 0 đồng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt. Vậy từ nay, các TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt sẽ được xử lý theo hướng nào?

Không ấn định giá 0 đồng 

Về Dự án Luật Cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu, Chính phủ đã thống nhất cơ bản với nội dung của dự thảo các quy định về cơ cấu lại các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan, trình đồng thời Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Về biện pháp chuyển giao bắt buộc, từ nay, Nhà nước không áp dụng biện pháp mua bắt buộc với giá 0 đồng. Trường hợp các TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi đã thực hiện phương án phục hồi mà không thể phục hồi, thì ưu tiên phương án chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới, cho TCTD có năng lực tài chính tốt.

Các cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu, thất thoát vốn, tài sản... của TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về hậu quả do mình gây ra. Chính phủ quyết định việc chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt. Trường hợp không chuyển giao được mà không thể phá sản thì thu hẹp dần hoạt động để xử lý, giải thể, chấm dứt hoạt động.

Trong các giai đoạn trước, NHNN đã lần lượt mua lại bắt buộc 3 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico thì việc mua này là không phù hợp, vì như vậy đã đương nhiên phủ nhận quyền sở hữu tài sản hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư bằng cơ chế hành chính.

“Điều này có nghĩa dù cổ đông không có lỗi, không bán cổ phần (dù là tự nguyện hay bắt buộc), nhưng bỗng dưng lại mất quyền sở hữu cổ phần. Nó hoàn toàn khác với việc chủ sở hữu biểu quyết giải thể doanh nghiệp hay doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Nhà nước được phép trưng mua và mua tài sản theo giá thị trường nhưng không thể ấn định sẵn là 0 đồng” - luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Cho phá sản sẽ hiệu quả hơn

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, thực tế, việc mua 0 đồng chỉ là tượng trưng, còn muốn duy trì được hoạt động của TCTD yếu kém, âm vốn điều lệ thì rất phức tạp, tốn kém, dù là hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân gửi tiền, chứ không nhằm cứu doanh nghiệp gửi tiền, cứu cổ đông - nhà đầu tư…

Vì vậy, theo luật sư này, tốt nhất là nên hỗ trợ bằng cách khác hiệu quả hơn như thay vì khôi phục ngân hàng yếu kém thì dùng chi phí này để hỗ trợ chi trả cho công chúng gửi tiền, đồng thời với việc giải thể, phá sản doanh nghiệp. Trong đó, nguồn lực này bao gồm vai trò chi trả của bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ thanh khoản của các TCTD khác, của NHNN và của Chính phủ… 

Về lo ngại phá sản ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quá trình này kéo dài ít nhất là 3 năm, nhiều là 5 - 10 năm, nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. “Không để TCTD quá yếu kém vẫn tồn tại dặt dẹo, gây khó khăn cho NHNN và các TCTD khác. Không nên hao tiền tốn của để vực dậy những TCTD cần phải “chết”. Thực tế những năm qua cũng đã từng xử lý kiểu giải thể một số ngân hàng như Việt Hoa, APBank… trong thời gian hàng chục năm”, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.

Hơn nữa, việc cho phép phá sản ngân hàng cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của người gửi tiền. Bảo hiểm tiền gửi hiện nay chỉ chi trả tối thiểu 50 triệu đồng cho mỗi người gửi tiền tại một TCTD. Nhưng bằng biện pháp mua bắt buộc 0 đồng, thực chất Nhà nước đã cam kết “chi trả bảo hiểm tiền gửi” không giới hạn, như vậy, cũng gây ra tình trạng bất hợp lý là người gửi tiền không cần quan tâm đến sự an toàn tiền gửi của mình.