Vì sao lãi suất chưa giảm?

ANTĐ - Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều qua 27-11, một trong những nội dung được quan tâm là vấn đề vì sao lãi suất vẫn chưa giảm khi lạm phát hiện ở mức rất thấp. 

Vì sao lãi suất chưa giảm? ảnh 1Chính sách lãi suất phải phù hợp với xu hướng lạm phát

Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: “NHNN điều hành lãi suất dựa trên các căn cứ về căn cứ kinh tế vĩ mô, tổng thể về tiền tệ, tỷ giá, trong đó lạm phát cũng là một yếu tố”. “Lạm phát năm 2015 ở mức thấp nhưng tăng trưởng GDP khá cao, có thể đạt trên 6,5%. Lạm phát năm nay thấp là do chịu tác động chủ yếu của giá hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu thô. Giá dầu có thể biến động khó lường, nếu giá dầu biến động tăng trở lại thì có thể lạm phát sẽ tăng”, bà Nguyễn Thị Hồng phân tích. 

Đại diện NHNN khẳng định: “Trong bối cảnh cầu trong nước đang tăng trở lại, tất cả các chỉ tiêu về đầu tư, tăng trưởng tín dụng... đều tăng. Do đó, điều hành không thể chủ quan với lạm phát. Với các định hướng và chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội đưa ra cho năm 2016, lạm phát khả năng vẫn ở mức thấp dưới 5%, tuy nhiên sẽ khó có mức thấp như năm nay”.

Phó Thống đốc NHNN cho rằng, hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2011.

Hiện mức lãi suất đã trở về ngang mức lãi suất các năm 2005-2006 khi kinh tế phát triển ổn định. Do đó, để không chủ quan với lạm phát của năm 2016, chính sách lãi suất phải phù hợp với xu hướng lạm phát trong tương lai. NHNN đang quy định mức trần nhưng các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục hạ lãi suất so với trần đó. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát các diễn biến kinh tế trong nước cũng như thế giới để có biện pháp điều hành phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, theo kế hoạch, các bộ, ngành, địa phương phải tinh giản tối thiểu 10% cán bộ công chức, viên chức trong khoảng từ năm 2015 tới năm 2021. Như vậy, một năm, mỗi cơ quan, đơn vị phải tinh giản tối thiểu 1,5% tổng biên chế. Việc tinh giản sẽ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan và theo kế hoạch cụ thể của từng năm.

Đại diện Bộ Nội vụ khẳng định, việc tinh giản được triển khai lần này không chỉ đơn thuần là giảm về số lượng mà mục tiêu chính là thông qua tinh giản, phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, xã hội. 

“Hàng năm, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản cũng như xác định chỉ tiêu của đơn vị mình tối thiểu từ 1,5% mỗi năm trở lên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi được phê duyệt, người đứng đầu mỗi cơ quan phải triển khai thực hiện, nếu không hoàn thành thì có thể coi là một trong các yếu tố đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ”, ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, các đơn vị chỉ được tuyển 50% trên tổng số những người đã nghỉ theo diện nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản biên chế.

Trước một số ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế ở một số cơ quan, bộ, ngành cần nâng lên mức 40%, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng, vấn đề này phụ thuộc vào đánh giá, phân loại, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của từng đơn vị, có nơi tinh giản 10%, có nơi 20%.