Vì sao khó "triệt" nạn tín dụng đen?

ANTD.VN - Dù các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp trong suốt nhiều năm nay nhưng nạn tín dụng đen chưa thuyên giảm. Điều này cần những giải pháp “từ gốc” chứ không chỉ xử lý từ phần ngọn.

Thủ đoạn phạm pháp tinh vi

Theo thống kê, tín dụng đen hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng tín dụng phi chính thức. Trong giai đoạn 2015 - 2018, toàn quốc xảy ra trên 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích…

Trong khi đó, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng, nguyên nhân tín dụng đen vẫn “bùng phát” là do người dân không đáp ứng được điều kiện của các tổ chức vay vốn hợp pháp; người vay tiền tham gia các hoạt động tệ nạn; nhiều người sử dụng tiền nhàn rỗi để cho vay hoặc trung gian dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi họ…

Toàn quốc hiện có 23.425 cơ sở kinh doanh cầm đồ với 36.895 người làm nghề. Đồng thời, có 77 cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 1.076 người làm nghề.

Qua 3 năm thực hiện Nghị định 96 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, cơ quan công an đã phát hiện 5.261 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 21 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm bị xử phạt hành chính.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, đã thu hồi 34 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với cơ sở cầm đổ, thu hồi 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Trong khi đó, tại các địa phương, công an các đơn vị, địa phương hiện quản lý, đấu tranh với 664 băng nhóm, hơn 5.100 đối tượng. Trong đó có 226 băng nhóm và 1.475 đối tượng cho vay nặng lãi, 88 băng nhóm và 678 đối tượng biểu hiện côn đồ, hoạt động đòi nợ thuê.

Từ đầu năm 2018 đến hết tháng 11/2019, cơ quan cảnh sát điều tra Công an các địa phương đã thụ lý điều tra 353 vụ, 768 bị can (trong đó khởi tố 328/353 vụ).

Đại tá Phạm Văn Tám cho biết, tại Điều 246 Luật Dân sự có quy định trần lãi suất cao nhất 20%, nhưng lãi suất tín dụng đen có khi lên đến 300 - 700%/năm.

Những đối tượng hoạt động tín dụng đen sử dụng nhiều chiêu trò lách luật

Tín dụng đen có rất nhiều hình thức đòi nợ với nhiều thủ đoạn vi phạm pháp luật như: Đe dọa, bắt người trái pháp luật, cố ý gây thương tích và thường gắn với những băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen rất khó; từ khâu phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ.

Bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng.

Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu trò lách luật như: Thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi. Sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân. Lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay…

Giải pháp “triệt từ gốc”

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank,  nạn tín dụng đen đã được đề cập nhiều và các cơ quan quản lý đưa ra không ít giải pháp để hạn chế trong suốt nhiều năm nay nhưng chưa thuyên giảm là do nhu cầu của người dân cần có khoản vay nhanh phục vụ nhu cầu về cuộc sống gia đình rất gấp.

Bên cạnh đó, hệ thống tài chính ngân hàng chính thống về mặt địa lý, về mặt hành chính và quy trình thủ tục cần có sự đảm bảo an toàn, chặt chẽ, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay nhanh, vay “nóng” của người dân vào thời điểm ngoài giờ hành chính. Đây là khe hở để tín dụng đen lách vào vùng sâu vùng xa, vào những gia đình có nhu cầu vay vốn gấp như vậy

Vì vậy, ông Nguyễn Đình Thắng đề nghị cần có chính sách để hỗ trợ các NHTM cho vay dưới chuẩn. Bởi hiện các đối tượng tìm đến tín dụng đen thường là một bộ phận người dân nghèo, không có tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, nên để hỗ trợ người dân tránh xa tín dụng đen thì nên đưa ra quy định cho vay dưới chuẩn. Các ngân hàng sẽ cân đối, đưa ra sản phẩm nằm trong ngưỡng an toàn.

Còn PGS. TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, những biện pháp hạn chế tín dụng đen thời gian qua dù rất mạnh mẽ nhưng mới chỉ tiếp cận dưới góc độ nhà quản lý, trong khi tín dụng đen lại có thể nảy sinh, tồn tại và phát triển dựa trên cả góc độ pháp lý và trên cơ sở thị trường, hay nói cách khác là cung - cầu về vốn.

Vì vậy, theo vị chuyên gia, giải pháp quan trọng là đáp ứng tốt nhất nhu cầu tạo điều kiện cho người dân sử dụng được tài chính chính thống. Cần có chính sách khuyến khích các NHTM triển khai các gói cho vay ở vùng nông thôn, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống.