Vì sao khách VIP dễ bị mất tiền trong sổ tiết kiệm

ANTD.VN - Có số tiền gửi lớn nhưng không đến giao dịch tại quầy mà tin tưởng tuyệt đối vào cán bộ ngân hàng, không ít khách hàng VIP đã nhận “quả đắng” khi sổ tiết kiệm hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỉ đồng “bốc hơi”.

Có số tiền gửi lớn nhưng không đến giao dịch tại quầy mà tin tưởng tuyệt đối vào cán bộ ngân hàng, không ít khách hàng VIP đã nhận “quả đắng” khi sổ tiết kiệm hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỉ “bốc hơi”.

Mất trăm tỷ vì tin tưởng cán bộ ngân hàng

Mới đây nhất là trường hợp bà Chu Thị Bình khi giao dịch gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) TP.HCM đã bị mất tới 245 tỷ đồng. Bà Bình được coi là khách VIP của ngân hàng này nên toàn bộ giao dịch đều do ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc Eximbank TP.HCM trực tiếp thực hiện, theo dõi, liên hệ khách hàng cũng như phê duyệt trên chứng từ giấy và trên hệ thống corebanking của Eximbank.

Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên ngân hàng đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, trên thực tế ông Hưng đã chỉ đạo nhân viên lập chứng từ giả để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán để chiếm đoạt số tiền rất lớn trong một thời gian dài.

Tháng 2/2017, khi đến hạn tất toán các sổ tiết kiệm, bà Bình mới phát hiện hơn 245 tỷ trong các tài khoản đã “bốc hơi”.

Trước trường hợp này, đã có rất nhiều khách hàng vì tin tưởng cán bộ ngân hàng, hoặc bị hấp dẫn bởi các lời chào mời lãi suất cao dành riêng cho khách VIP nên đã giao dịch riêng với cán bộ, nhân viên ngân hàng mà không đến phòng giao dịch. Hậu quả là rất nhiều người đã mất hàng nhiều tỷ đến hàng trăm tỷ trong sổ tiết kiệm. Điển hình như vụ một khách hàng ở Đà Lạt báo mất 32 tỷ đồng ở BIDV, hay vụ khách hàng mất 4 tỷ đồng tại SCB, vụ nhiều khách hàng ở Lào Cai gửi tiết kiệm hàng chục tỷ đồng nhưng thực tế trên sổ tiết kiệm chỉ có… 1 triệu đồng…

Về vấn đề này, Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho biết, thực tế việc khách hàng gửi tiết kiệm lựa chọn giao dịch tại nhà hay tại cơ quan là không hiếm.

“Hầu hết các ngân hàng đều có các khách VIP và họ thường không trực tiếp mang tiền đến quầy để giao dịch mà sẽ ủy quyền cho lãnh đạo chi nhánh hoặc phòng giao dịch thực hiện toàn bộ các giao dịch gửi, rút tiền” – cán bộ ngân hàng này cho biết.

Vụ mất tiền xảy ra tại Eximbank không phải trường hợp cá biệt

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico, việc khách hàng VIP nhận được ưu đãi phục vụ tận nhà là điều bình thường vì họ mang lợi nhiều lợi ích cho ngân hàng. Và trong trường hợp nếu họ bị lừa đảo như trường hợp bà Chu Thị Bình thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù cho khách hàng.

Tốt nhất nên giao dịch tại quầy

Ông Đức cho biết, thực tế những vụ việc tương tự gần đây cho thấy các ngân hàng thường có xu hướng quy trách nhiệm cá nhân, tòa án cũng xử theo hướng tranh chấp giữa khách hàng và cá nhân cán bộ ngân hàng mà ngân hàng không phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Tuy nhiên, theo vị luật sư này, khi khách hàng giao dịch với cán bộ ngân hàng tức là đã giao dịch với ngân hàng. Các giao dịch chỉ còn là nội bộ trong ngân hàng, thủ đoạn gian lận là của nội bộ ngân hàng, không phải của người ngoài nên ngân hàng buộc phải chịu trách nhiệm.

Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, dù bất kỳ khách hàng giao dịch tại quầy hay tại nhà thì phải chắc chắn là đang giao dịch với cán bộ ngân hàng, các giấy tờ khách hàng ký là giấy tờ của ngân hàng. Trường hợp nếu không phải người của ngân hàng thì ngân hàng không phải chịu trách nhiệm. Do đó, nếu khách hàng không chắc chắn về những yếu tố trên thì tốt nhất đến giao dịch tại quầy của ngân hàng vì ở đây các quy trình sẽ được đảm bảo chặt chẽ.

Còn theo luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, trong các vụ lừa đảo tương tự gần đây đều cho thấy sai phạm cố ý của chính cán bộ ngân hàng là nguyên nhân thường trực gây nên hậu quả rủi ro từ các giao dịch tiền gửi. Do đó, các ngân hàng cần nhìn nhận đây là một nguy cơ tiềm ẩn để tăng cường quản lý. Bởi vì nếu theo đúng quy trình khắt khe của hoạt động ngân hàng thì không dễ gì tiền gửi của khách hàng bị thất thoát.

Ngoài ra, luật sư Bùi Quang Tín cũng cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến đối tượng dễ dàng lừa đảo là do sự cả tin của khách hàng khi giao phó toàn bộ tài sản của mình cho cán bộ ngân hàng hay ký khống các giấy tờ. “Dù là khách hàng VIP cũng không nên chủ quan, tin tưởng tuyệt đối vào một cán bộ ngân hàng nào, vì rủi ro lớn nhất vẫn là con người, mà con người thì khó kiểm soát nhất” – vị chuyên gia cho biết. Do đó, ông cũng cho rằng với những khoản tiền gửi lớn, tốt nhất khách hàng cần giao dịch tại các quầy giao dịch của ngân hàng.