Hàng giả, hàng nhái “tung hoành” mạng xã hội (2):

Vì sao hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội?

ANTD.VN - Khách hàng không giới hạn, chi phí thấp lại ít bị cơ quan chức năng nào để ý - đó là những lý do khiến hàng giả, hàng nhái được chào bán công khai, tràn lan trên mạng xã hội.

Cùng với sự dễ dãi trong những giao dịch mua - bán đã khiến tội phạm có cơ hội lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Từ dễ bán đến dễ dàng… “giăng bẫy” và mắc lừa đã và đang là thực trạng của việc kinh doanh buôn bán qua mạng xã hội.

Vì sao hàng giả, hàng nhái tràn lan trên mạng xã hội? ảnh 1Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo mua bán hàng qua mạng Internet

Mạng xã hội: “Không gian mở” cho hàng nhái tràn lan

Theo thống kê mới nhất của The Next Web, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu, chưa kể các mạng xã hội khác. Có lẽ bao nhiêu người tham gia mạng xã hội thì có từng ấy đối tượng tiềm năng cho hoạt động kinh doanh qua mạng. Khai thác lợi thế người mua ít khi “sờ tận tay” sản phẩm, những người bán hàng đã thỏa sức tô vẽ cho sản phẩm trở nên “lung linh”, hữu ích nhằm thu hút khách hàng. Vì vậy, số người bán và người mua hàng qua mạng xã hội đều tăng qua các năm. 

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, 34% doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, tăng 6% so với năm 2015. Lưu ý, tỷ lệ này chưa bao gồm những cá nhân đơn lẻ kinh doanh trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác khiến mạng xã hội trở thành môi trường lý tưởng cho hàng “fake” sinh tồn là bởi lực lượng chức năng không bao giờ kiểm tra.

“Năm 2016, 34% doanh nghiệp đã tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, tăng 6% so với năm 2015. Tỷ lệ này chưa bao gồm những cá nhân đơn lẻ kinh doanh trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác khiến mạng xã hội trở thành môi trường lý tưởng cho hàng “fake” sinh tồn là bởi lực lượng chức năng không bao giờ kiểm tra”. 

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương

Theo chị V. Nguyên, hơn 6 năm kinh doanh hàng qua Facebook và Zalo, chị chưa bao giờ bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, càng không bị xử phạt. Ngay cả nghĩa vụ nộp thuế, người kinh doanh qua mạng như chị V. Nguyên cũng chưa phải thực hiện. Cùng chung quan điểm này, chị Quỳnh Liên cho biết: “Chỉ cần có một Fanpage bán hàng, rồi “up” sản phẩm lên và chạy quảng cáo, Facebook duyệt là xong. Facebook sẽ phê duyệt rất nhanh và chẳng truy vấn gì. Cuối tháng, Facebook sẽ trừ tiền ở tài khoản thẻ Visa thanh toán quốc  tế”. 

Trên thực tế, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội nói riêng và thương mại điện tử nói chung chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng… Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này cũng đã có như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng… Tuy nhiên, đến nay, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan và công khai trên mạng xã hội, trong khi vai trò của lực lượng chức năng vẫn rất mờ nhạt.

Người tiêu dùng: Ham hàng ngoại, giá rẻ

Trao đổi với trinh sát Đội Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, về tình trạng hàng nhái, hàng giả trên mạng xã hội ghi nhận một đúc kết: Báo động không kém là hiện tượng lừa đảo nhằm vào những người mua hàng. 

 Trinh sát này dẫn chứng cụ thể bằng vụ án mà Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp cùng CAQ Đống Đa làm rõ, chuyển hồ sơ đến CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trịnh Xuân Bách (SN 1982), trú ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự.

Trong một lần đi mua hàng trên phố Hàng Giấy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), biết chủ một cửa hàng có người nhà là anh Chu Anh Tuấn, hiện sinh sống tại Cộng hòa liên bang Đức, có thể mua hàng gia dụng chuyển về Việt Nam, Bách đã chủ động liên hệ với anh Tuấn bàn kế hoạch hợp tác kinh doanh. Theo đó, anh Tuấn chuyển hàng từ Đức về Việt Nam cho Bách, còn Bách có nhiệm vụ tìm nguồn tiêu thụ. Việc thanh toán tiền hàng sẽ được Bách chuyển vào tài khoản ngân hàng của người nhà anh Tuấn tại Việt Nam. 

Sau khi anh Tuấn nhận lời, Bách lập tài khoản “Bim Bim” để tham gia diễn đàn “Thanh niên xa mẹ” trên trang web www.tathy.com/thanglong, quảng cáo bán các sản phẩm đồ bếp, đồ gia dụng xuất xứ từ Đức. Một thời gian sau, giữa Bách và anh Tuấn phát sinh mâu thuẫn do liên quan đến việc thanh toán tiền nên anh Tuấn chấm dứt việc hợp tác. Không có nguồn cung cấp hàng nữa nhưng sau đó, Bách vẫn sử dụng tài khoản “Bim Bim” để đăng thông tin bán hàng gia dụng Đức, qua đó chiếm đoạt được hàng chục triệu đồng bằng cách yêu cầu khách hàng đặt cọc tiền rồi… biến mất.

Khác Trịnh Xuân Bách, đối tượng Đỗ Thị Mai (SN 1994), ở quận Hà Đông, Hà Nội khi bước vào kinh doanh trên mạng xã hội thậm chí không có nguồn vốn và hàng hóa nào. Đỗ Thị Mai lập và quản trị một số Fanpage để kinh doanh nhiều mặt hàng tiêu dùng như sữa bột, đồ chơi, mỹ phẩm... trong đó có Fanpage “Thế giới đồ tập Gym xuất khẩu”, kèm theo số điện thoại liên hệ.

Qua kênh bán hàng này, chị Nguyễn Thị Mỹ Loan (trú ở Hà Nội) liên hệ với Mai đặt mua 61 bộ đồ thể thao với tổng tiền hàng trên 8 triệu đồng. Mai yêu cầu chị Loan phải thanh toán tiền trước rồi mới chuyển hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền qua tài khoản, Mai không chuyển hàng, xóa trang Fanpage và hủy số điện thoại nhằm xóa dấu vết. Hành vi phạm tội của Đỗ Thị Mai sau đó đã bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với CAQ Hà Đông làm rõ; khởi tố điều tra theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự.

Thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, phòng chức năng CATP Hà Nội đang thụ lý điều tra vụ án lừa đảo bán hàng qua mạng với số tiền chiếm đoạt rất lớn. Chỉ từ cuối năm 2016 đến tháng 3-2017, qua khai thác một phần dữ liệu từ Facebook của đối tượng, cơ quan chức năng ghi nhận đã có hàng tỷ đồng đổ về tài khoản của “siêu lừa” này. “Hành trang” để đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chỉ đơn giản là mấy trăm bức ảnh sản phẩm hàng hóa ngoại được copy từ mạng Internet xuống.

“Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu, chưa kể các mạng xã hội khác”. Có bao nhiêu người tham gia mạng xã hội thì có từng ấy đối tượng tiềm năng cho hoạt động kinh doanh qua mạng. Khai thác lợi thế người mua ít khi “sờ tận tay” sản phẩm, những người bán hàng đã thỏa sức tô vẽ cho sản phẩm trở nên “lung linh”, hữu ích nhằm thu hút khách hàng”.

The Next Web

 (Còn nữa)