Vi phạm của sàn thương mại điện tử: Cứ gỡ bỏ sản phẩm bị cấm là hết trách nhiệm?

ANTD.VN - Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2018, sau khi được yêu cầu rà soát và báo cáo, tổng số sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là gần 36.000 sản phẩm và gần 3.200 tài khoản/gian hàng trên các sàn đã bị khóa.

Đụng đâu cũng thấy vi phạm

Trong thông tin mới nhất gửi cho cơ quan báo chí liên quan đến hoạt động của sàn TMĐT, Bộ Công Thương cho biết, năm 2018, lực lượng chức năng đã phối hợp điều tra, xử lý gần 100 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan về thương mại điện tử trong một số lĩnh vực như: thực phẩm, mỹ phẩm, rượu, xì gà...

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng đã yêu cầu trên 30  website TMĐT bán hàng và các website cung cấp dịch vụ TMĐT kiểm tra, rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm pháp luật trên website và ứng dụng TMĐT, bằng cách sử dụng biện pháp kỹ thuật là chặn theo từ khóa.

Tuy nhiên, đáng chú ý là sau những động thái nêu trên của cơ quan quản lý, hàng cấm vẫn tràn lan trên sàn TMĐT, điển hình như trên trang Lazada.vn.

Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về tình trạng nhiều shop bán thiết bị lắp súng có khả năng gây sát thương trên website này, Lazada.vn đã nhanh chóng gỡ bỏ các mặt hàng thuộc diện cấm kinh doanh như trên cùng một số sản phẩm như: cung tên, đồ chơi thể thao mạo hiểm.

Tuy vậy, sáng 19-2, trên Lazada.vn, khách hàng vẫn dễ dàng tìm được sản phẩm thiết bị kích sóng di động… Đây là mặt hàng bị cấm kinh doanh trực tuyến do có tác hại đến người sử dụng hoặc có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động.

Chưa kể, trên một số sàn TMĐT, người tiêu dùng cũng phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái hoặc hàng hạn chế kinh doanh được các shop “lách”, không sử dụng những từ khóa thông dụng để khỏi bị chặn.

Chỉ doanh nghiệp được cấp phép mới được bán thiết bị kích sóng di động, nhưng sản phẩm lại tràn lan trên Lazada.vn (ảnh chụp màn hình sáng 19-2019)

Theo Bộ Công Thương, sàn TMĐT là môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành kinh doanh. Hàng hóa bày bán trên Sàn TMĐT là do người bán tự đưa lên theo quy định về cấu trúc thông tin mà Sàn TMĐT đưa ra. Chủ sàn không có đủ thẩm quyền và năng lực để xác định hàng hóa nào là thật, giả.

Tuy nhiên, chủ sàn phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ và phải hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra… điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, cung cấp thông tin đăng ký, lịch sử giao dịch và các tài liệu khác về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

“Đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật và hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định như rượu, thuốc lá... Chủ sàn phải có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin đó”- Bộ Công Thương thông tin.

Thực tế này cho thấy, không chỉ các sàn TMĐT mà ngay cả cơ quan quản lý cũng đang “ỷ lại” biện pháp kỹ thuật mà thiếu kiểm tra, rà soát thường xuyên. Hệ quả là không ngăn chặn được vi phạm, mà chỉ xử lý “đuổi theo”.

Không thể xử phạt “như gãi ngứa”!

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay: “Cục đã thực hiện trách nhiệm cảnh báo tới Lazada và yêu cầu rà soát lại toàn bộ hàng hóa. Chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm chung trong việc này; phải ngăn chặn, tháo gỡ sản phẩm và có hình thức xử lý đơn vị bán hàng. Còn về kiểm soát vi phạm về hàng hóa nói chung, cần trách nhiệm của nhiều cơ quan liên quan để xử lý từ gốc”.

Trong khi đó, theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, với một số biểu hiện vi phạm nêu trên của sàn TMĐT (như Lazada.vn), hình thức xử lý vi phạm hành chính cao nhất là phạt tiền đến 40 triệu đồng.

Đưa ra quan điểm lý giải vì sao hàng hóa vi phạm tràn lan trên sàn TMĐT, ông Vũ Vinh Phú- chuyên gia thị trường cho rằng: “Để xử phạt doanh nghiệp vi phạm thì  phải căn cứ theo văn bản quy phạm pháp luật, nhưng với các quy định hiện hành, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan cũng còn lỏng lẻo nên không thể ngăn chặn vi phạm ở mức tối đa”.

Theo các chuyên gia, muốn khắc phục tình trạng này, trước hết cần tăng nặng hình phạt, có thể rút giấy phép kinh doanh hoặc thậm chí xử lý hình sự, tùy theo mức độ vi phạm, không thể xử lý “như gãi ngứa” được.

Đồng tình với quan điểm cho rằng việc kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên sàn TMĐT rất khó đối với cả cơ quan quản lý và chủ sàn, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, không phải vì khó mà buông lỏng. 

"Quy định về trách nhiệm sàn TMĐT trong việc kiểm soát hàng hóa phải chặt chẽ, rõ ràng hơn. Không thể cứ thấy sai phạm thì gỡ bỏ sản phẩm là hết trách nhiệm. Còn về phía cơ quan quản lý, xây dựng chính sách phải dựa trên chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc "- ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, quy trình đăng ký hoạt động sàn TMĐT hay đăng ký kinh doanh của các shop trên sàn đơn giản, thuận tiện là tốt, cần được ủng hộ. Song ở khâu hậu kiểm, với cả cơ quan quản lý và chủ sàn, đều nhất định không được buông lỏng để vi phạm tràn lan.