VCCI: Hà Nội và TP.HCM nên có thêm đơn vị bán lẻ điện

ANTD.VN - Theo VCCI, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có ít nhất 3 hoặc 4 đơn vị bán lẻ độc lập để thị trường điện cạnh tranh hơn. Hiện nay, việc bán lẻ điện cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn do 2 Tổng công ty Điện lực của 2 thành phố đảm nhiệm.

Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng

Thị trường điện cạnh tranh chưa cao

Góp ý cho dự thảo Đề án “Thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam” của Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, Đề án đã đưa ra được khung khổ cho việc cạnh tranh hoá thị trường bán lẻ điện năng tại Việt Nam với đầy đủ các yêu cầu tiền đề cũng như các bước tiến hành.

Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh đã đi vào hoạt động được nhiều năm, nhưng đây mới chỉ đạt về khung khổ cạnh tranh, còn mức độ cạnh tranh trên thực tế chưa cao, thể hiện ở hai vấn đề: Thứ nhất, tỷ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường phát điện cạnh tranh còn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 49% công suất đặt của thị trường. Ngay trong đề án này, phần hiện trạng của thị trường điện, cơ quan soạn thảo cũng đã công nhận hạn chế này;

Thứ hai, mặc dù có nhiều nhà máy tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, nhưng các nhà máy này vẫn chung một vài công ty mẹ tập đoàn. Như vậy, mức độ cạnh tranh thực sự trên thị trường không cao. Các chỉ số đánh giá mức độ tập trung của thị trường (concentration ratio) như CR4, CR8 vẫn rất cao.

Để tránh tình trạng này lặp lại ở thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung mục tiêu tỷ lệ khách hàng tham gia/chưa tham gia thị trường điện theo thời gian; Bổ sung mục tiêu về số đơn vị bán lẻ điện độc lập với nhau cùng tồn tại trên thị trường, ví dụ thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có ít nhất 3 hoặc 4 đơn vị bán lẻ độc lập.

“Những chỉ tiêu này là những kết quả đầu ra quan trọng của việc thực hiện đề án, bởi nếu một khuôn khổ thị trường cạnh tranh có được tạo lập tốt, nhưng nếu các khách hàng được lựa chọn, thay đổi đơn vị bán lẻ điện thì khuôn khổ thị trường đó trở nên vô nghĩa”- đại diện VCCI cho hay.

Nên có thêm các công ty bán lẻ điện

Tại Việt Nam, thị trường phát điện cạnh tranh hoàn chỉnh đã được vận hành chính thức từ ngày 1-7-2012. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức được đưa vào vận hành từ 1-1-2019.

Năm 2019, tỷ lệ điện năng thanh toán theo cơ chế thị trường điện tăng lên đến 8% - 10%. Tuy nhiên, thị trường phát điện cạnh tranh và bán buôn điện cạnh tranh vẫn còn nhiều tồn tại.

Về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hiện tại, 5 Tổng công ty Điện lực (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, miền Bắc, miền Trung, miền Nam) là đơn vị bán lẻ có quy mô lớn nhất bao gồm cả về địa bàn kinh doanh (hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước) và sản lượng điện thương phẩm (chiếm khoảng 95% tổng sản lượng điện thương phẩm); Chiếm khoảng 6% tổng sản lượng thương phẩm là các công ty bán lẻ điện có quy mô nhỏ (các công ty cổ phần phân phối, bán lẻ; các hợp tác xã...).

Các Tổng công ty Điện lực mua điện đầu nguồn từ EVN theo giá bán buôn điện nội bộ của EVN - giá BST, sau đó bán buôn điện cho các công ty bán lẻ điện khác (khách hàng mua buôn) theo giá bán buôn điện, bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện theo giá mua điện đã được Bộ Công Thương quy định.

Các công ty bán lẻ điện mua buôn điện từ các Tổng công ty Điện lực, bán điện cho các khách hàng sử dụng điện theo giá đã được Bộ Công Thương quy định.

Theo đánh giá của Cục Điều tiết Điện lực, khâu kinh doanh bán lẻ điện tại Việt Nam vẫn còn các vấn đề lớn như: Độc quyền bán lẻ điện theo khu vực địa lý, trong đó 5 Tổng công ty Điện lực thuộc EVN chiếm vai trò chi phối;

Về cơ chế giá điện, trong khi giá mua buôn điện đang từng bước chuyển sang cơ chế thị trường, thì giá bán lẻ điện đầu ra hiện vẫn do nhà nước quản lý; Chức năng, tổ chức và chi phí của hoạt động phân phối điện hiện đang gộp chung với khâu kinh doanh bán lẻ điện;

Các quy định về giá điện hiện nay được xây dựng phù hợp với mô hình độc quyền bán lẻ điện hiện tại, chưa có hành lang pháp lý cho việc xác định, tính toán và ban hành giá phân phối điện.

“Việc thực hiện bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam đồng nghĩa với việc phải có các giải pháp phù hợp (cơ cấu tổ chức, cơ chế giá điện…) để chuyển đổi từ mô hình độc quyền trong khâu kinh doanh bán lẻ điện hiện tại sang mô hình cạnh tranh theo cơ chế thị trường”- Cục Điều tiết Điện lực nêu quan điểm.