Vay không thế chấp, dễ sập bẫy lừa

ANTĐ - Nắm bắt được nhu cầu của sinh viên vào dịp cuối năm nên hiện ở khu vực cổng các trường đại học, ký túc xá, những tờ rơi, quảng cáo “cho vay không cần thế chấp” xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít sinh viên do cần tiền, không tìm hiểu kỹ, đã  “sập bẫy”…

Vay không thế chấp, dễ sập bẫy lừa ảnh 1Tờ rơi, quảng cáo cho vay, cầm đồ, hỗ trợ tài chính cho sinh viên được dán la liệt gần cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Thủ tục đơn giản, thuận tiện?!

Trên các tờ rơi, những lời quảng cáo rất hấp dẫn đã thu hút sự chú ý của khá đông sinh viên: “Chúng tôi đã trải qua thời sinh viên nên rất hiểu những khó khăn về tài chính mà các bạn gặp phải. Sử dụng dịch vụ này, các bạn sẽ được tặng 5 ngày lãi suất 0%. Thông tin của các bạn được tuyệt đối bảo mật. Chúng tôi có những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí. Chỉ cần đặt một trong các giấy tờ gốc như Thẻ sinh viên, Chứng minh nhân dân…, các bạn có thể vay từ 5-10 triệu đồng, thời gian từ 10 ngày trở lên. Thủ tục nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện”. Hoặc: “Chuyên cho sinh viên vay tín chấp không cần thế chấp tài sản, không cần bảo lãnh, cam kết của người thân. Số tiền vay từ 2-20 triệu đồng tùy thuộc vào thu nhập của khách hàng. Thời hạn vay linh hoạt. Điều kiện: Sinh viên đã vào học ít nhất 5 tháng, có điện thoại cố định tại nơi cư trú và không cần chứng minh thu nhập”…

Mặc dù trên tờ rơi không có dòng nào về địa chỉ cho vay tiền mà chỉ có tên người liên hệ, kèm số điện thoại di động song không ít sinh viên mới đọc qua tưởng “ngon ăn” nên đã gọi điện vay tiền. Em Nguyễn Văn Thắng - sinh viên trường ĐH Giao thông Vận tải chia sẻ, do cần tiền để chuộc chiếc máy tính xách tay đang “đặt” ở hiệu cầm đồ, cậu bạn cùng phòng trọ của Thắng đã liên lạc với số điện thoại trên tờ rơi để vay 10 triệu đồng trong thời gian 2 tháng và đặt lại thẻ sinh viên. Theo hợp đồng đã ký giữa hai bên, cứ 10 ngày 1 lần cậu bạn kia phải thanh toán tiền lãi.  Dù đã cam kết “giữ bí mật” cho bên vay nhưng trong một lần do cậu bạn kia không trả lãi đúng hạn, bên cho vay đã đến phòng trọ làm ầm lên đồng thời còn dọa sẽ đến trường báo với Ban Giám hiệu khiến cậu bạn kia rất sợ hãi, xấu hổ, không thể tập trung vào học tập. 

“Ngoài trả tiền lãi hàng tháng, người vay còn phải tìm cách trả số nợ gốc. Sau 2 tháng vay tiền, đến hạn phải thanh toán nợ gốc, do bị muộn 10 ngày nên cậu bạn em phải thanh toán thêm tiền lãi chậm trả với mức lãi suất cao chót vót. Đây là bài học nhớ đời, đúng là không nên “thấy đỏ mà tưởng chín”, Thắng tâm sự.

Với hình thức cho vay tiền trên, dù mỗi sinh viên có thể dễ dàng có trong tay số tiền bản thân đang cần mà không cần thế chấp bất kỳ tài sản nào, song tại hợp đồng vay được ký kết giữa hai bên lại có những điều khoản ràng buộc khá chặt chẽ. Theo đó, người vay phải trả tiền lãi trong thời gian quy định (thường từ 10-15 ngày trả lãi một lần) và tất nhiên, mức lãi suất này cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. 

Tự đeo gông vào cổ

Ngoài hình thức trên, cho vay không thế chấp còn có biến tướng qua phương thức mua sản phẩm trả góp. Lê Đình Kiên - sinh viên ĐH Quản trị kinh doanh kể, do làm mất chiếc điện thoại thông minh của bạn cùng lớp nên Kiên phải tìm mọi cách xoay xở để có tiền mua điện thoại trả bạn. Trong lúc đang “bí”, Kiên biết được thông tin có nơi cho vay tiền không cần thế chấp. Tuy vậy, khi Kiên gọi đến đến thì được người nhận điện thoại hướng dẫn đi mua chiếc iPhone 5 trả góp, sau đó họ sẽ mua lại với giá bằng 70% số tiền Kiên đã bỏ ra để mua sản phẩm. Thế là chỉ trong thời gian ngắn, mặc dù đã có trong tay một số tiền, song Kiên đã bị mất hơn 2 triệu đồng mà còn phải gánh một khoản nợ không nhỏ từ việc mua iPhone 5 trả góp. 

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thành Chung - Đoàn Luật sư Hà Nội  phân tích, khi vay với hình thức không thế chấp, nhất là vào thời điểm cuối năm, người vay cần tỉnh táo trước những điều kiện vay vốn, các loại phí như thanh toán trước hạn, phí chậm thanh toán… Trước khi ký hợp đồng, người vay phải xem xét kỹ từng điều khoản để có kế hoạch trả nợ và trả được nợ. Ngoài ra, cũng cần tìm hiểu rõ những vấn đề khác như nếu thanh toán trước hạn thì lãi suất sẽ được tính ra sao...

Cũng theo Luật sư Thành Chung, có thể nói sự thiếu thốn về tiền bạc là tình trạng chung của nhiều sinh viên. Tuy vậy, để tránh rủi ro, mỗi người hãy thận trọng khi quyết định vay tiền, đặc biệt là từ những đối tượng, dịch vụ không rõ ràng bởi hiện có khá nhiều cơ sở mượn danh các ngân hàng có uy tín, tổ chức “vì sinh viên nghèo” nhằm dụ dỗ mọi người vay tiền. Nhưng khi người vay tiền chậm trả lãi hoặc nợ gốc, một số đối tượng sẽ có hành vi dọa dẫm, thậm chí khủng bố tinh thần. Ngoài ra, mỗi bạn sinh viên cũng cần tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn, không tham gia giới thiệu dịch vụ cho vay tín chấp lãi suất cao của một số cá nhân. Trong trường hợp người vay bị đe dọa cần báo với cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất để được bảo vệ kịp thời…