Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt 7%

ANTD.VN - Năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

Đây là những thông tin được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) đưa ra tại Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2018 do cơ quan này tổ chức sáng nay 20/12.

Kinh tế Việt Nam ổn định dù thế giới biến động

Ông Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, năm 2018, kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. Đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức rất cao 3,7%.

Chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh, tăng trưởng năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng 30% trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt dược một số thành được một số thành tựu đáng ghi nhận. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,9% - 7%. Đây là mức cao nhất 10 năm trở lại đây nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%.

Ngoài ra, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.

Mặc dù xu hướng rút vốn diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện niềm tin của họ vào ổn định vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 ở mức 7%

Với diễn biến đó, NFSC dự báo năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7%, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế.

Công nghiệp chế biến là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; Triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs… Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

Nói rõ những căn cứ để đưa ra con số dự báo tăng trưởng 7%, ông Trương Văn Phước cho biết, những năm gần đây, những chỉ tiêu Quốc hội giao thì Chính phủ đều đạt vượt. Năm 2018, trong bối cảnh có nhiều khó khăn như chiến tranh thương mại thế giới hay Fed tăng lãi suất tới 4 lần trong năm, nhưng ta cũng tận dụng được nhiều cơ hội. Chúng ta tiến hành cải cách kinh tế, đặc biệt môi trường đầu tư thông thoáng hơn, Chính phủ tận dụng nhiều kết quả của Cách mạng công nghiệp 4.0...

“Vì vậy, năm 2019, chúng tôi cho rằng điều kiện kinh tế thế giới bên cạnh những lo lắng về chiến tranh thương mại thì cũng có những thuận lợi như: giá xăng dầu khó tăng cao như năm 2018; các chính sách tiền tệ của nhiều nước như Mỹ sẽ hết sức thận trọng dể duy trì mức tăng trưởng như hiện nay...

Đó là yếu tố mà tôi nghĩ rằng lạm phát toàn cầu sẽ giảm. Cùng với đó là những chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh… trong nước sẽ là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP khoảng 7%” – ông Trương Văn Phước cho biết.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019.