Ưu đãi thuế vượt ngân sách chi cho y tế, Tổng cục Thuế nói gì?

ANTD.VN - Các chuyên gia ước tính giai đoạn 2012 – 2016, tổng ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam bằng 7% tổng thu ngân sách và luôn cao hơn số tiền mà ngân sách chi cho y tế…

Đây là thông tin được đưa ra trong các báo cáo tại Hội thảo Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2019 – Hướng tới một hệ thống thuế công bằng, sáng nay 13/11.

Ưu đãi thuế lớn hơn chi tiêu ngân sách cho y tế

Theo nghiên cứu và tính toán của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương và Oxfam, con số ước tính chi tiêu thuế (được định nghĩa là các khoản ưu đãi thuế của chính phủ đối với một nhóm người nộp thuế và nó nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn) của thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tăng mạnh vào năm 2016.

Ước tính chi tiêu thuế của thuế TNDN giai đoạn 2012 - 2016 bằng 7% tổng thu ngân sách nhà nước, bằng 30% số thu thuế TNDN, bằng 5% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn chi ngân sách cho y tế.

“Việt Nam đã mất đi một nguồn lớn ngân sách có thể đầu tư cho lĩnh vực y tế, trong khi đó số tiền túi mà người dân bỏ ra để khám chữa bệnh chiếm 44,6% (2016) tổng chi tiêu cho ngành y tế. Tức là gánh nặng chịu thuế đã chuyển từ các doanh nghiệp lớn sang cho người dân, thông qua các chính sách thuế, đặc biệt là ưu đãi thuế” – bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý Chương trình cấp cao về Quản trị Oxfam tại Việt Nam cho biết.

Bên cạnh con số ước tính về chi tiêu thuế, các nghiên cứu cũng tính toán một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ nộp thuế và thuế suất thực nộp. Theo đó, số doanh nghiệp nộp thuế trong tổng số các doanh nghiệp có lợi nhuận dương là 48% năm 2012, 28% năm 2014 và 70% năm 2016.

Nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp nộp thuế luôn chiếm trên 80% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp có lợi nhuận dương. Số doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi thuế (cả miễn thuế và giảm thuế) chiếm khoảng 90% (2012 và 2014) và hơn 60% (2016).

Các chuyên gia cho rằng ưu đãi thuế TNDN đang làm giảm thu ngân sách Nhà nước

Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế chỉ bằng khoảng 70% mức thuế suất phổ thông của thuế TNDN. Năm 2012, thuế suất phổ thông là 25% thì mức thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế là 18,4%. Các con số tương ứng với năm 2014 lần lượt là 22% và 16,8%, còn các con số tương ứng với năm 2016 lần lượt là 20% và 13,6%.

Ưu đãi thuế đang tập trung và nhóm các doanh nghiệp có quy mô lớn, thuộc ngành công nghiệp (nhất là ngành chế biến và chế tạo, có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong khu công nghiệp. Thuế suất thực nộp của các doanh nghiệp nộp thuế trong nhóm này chỉ khoảng 10%, bằng khoảng một nửa mức thuế suất phổ thông (2016).

Nếu không có ưu đãi, liệu Samsung có vào Việt Nam?

Tuy nhiên, theo quan điểm của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, ưu đãi thuế đem lại những hiệu quả lớn trong thu hút đầu tư.

“Nếu 10-20 năm trước không có ưu đãi thuế thì có thu hút được những doanh nghiệp vào Việt Nam hay không? Ví dụ Samsung hiện chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, thu hút hàng trăm nghìn lao động, ưu đãi dành cho họ là thuế suất 10% trong 15 năm và kéo dài thêm 15 năm. Nếu không có những ưu đãi này thì liệu có những con số trên không, có Samsung không?” – ông Nguyễn Văn Phụng nói.

Ông Phụng cũng cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt “Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó yêu cầu phải rà soát ưu đãi thuế để minh bạch hóa, đơn giản hóa thuế. Đây là những việc mà cơ quan thuế đã và đang làm.

“Ví dụ ngày trước, theo Luật Đầu tư nước ngoài thì chúng ta ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài theo kiểu “nhịn miệng đãi khách”. Doanh nghiệp trong nước nộp thuế TNDN 32%, nhưng doanh nghiệp nước ngoài nộp có 25%; miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm toàn doanh nghiệp nước ngoài được hưởng. Tuy nhiên, từ năm 2005 có Luật Đầu tư, ưu đãi thuế TNDN cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước như nhau.

Đến 2008, hoàn toàn bãi bỏ nhiều ưu đãi, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong nước chung tiêu chí, chỉ ưu đãi theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn. Nhưng so sánh với Luật Đầu tư sửa đổi năm 2013 và 2014, ngành nghề ưu đãi còn rút bớt đi nữa mà chúng ta mở thêm ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên do 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ và đóng góp cho ngân sách khiêm tốn, nên ưu đãi rất lớn nhưng so với số thuế đóng góp của họ lại ít” ” – đại diện Tổng cục Thuế thông tin.