Tỷ giá linh hoạt, doanh nghiệp cần có "võ phòng thân"

ANTĐ - Sau khi cơ chế điều hành tỷ giá mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và chính thức áp dụng, tỷ giá trung tâm diễn biến theo hướng có lên, có xuống. Theo các chuyên gia, với việc tỷ giá biến động thường xuyên, liên tục, các doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ, sản phẩm phái sinh để phòng ngừa rủi ro.

Tỷ giá linh hoạt, doanh nghiệp cần có "võ phòng thân" ảnh 1

Sử dụng công cụ phái sinh là giải pháp giúp doanh nghiệp phòng ngừa những rủi ro về tỷ giá

Có lên có xuống

Ngày đầu tiên áp dụng cơ chế mới (4-1), NHNN đã công bố tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng của VND với USD (tỷ giá trung tâm) ở mức 21.896 VND/USD, cao hơn mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn áp dụng suốt 4 tháng trước là 6 đồng. Trong những phiên tiếp theo, tỷ giá diễn biến theo xu hướng linh hoạt, có lên có xuống. Trên thị trường ngoại tệ, giá mua - bán của các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh bắt nhịp với xu hướng của tỷ giá trung tâm. Các giao dịch diễn ra bình thường, không có nhiều biến động.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank), ngày đầu áp dụng cơ chế tỷ giá mới, giao dịch ngoại tệ tại Agribank tăng lên một chút trong buổi sáng, nhưng đến chiều đã trở lại bình thường, tổng giao dịch trong ngày không có nhiều biến động. Mức giá giao dịch cũng cách tương đối xa so với mức trần. “Trước khi triển khai cơ chế mới, NHNN đã trao đổi hai chiều với các ngân hàng thương mại để có sự chuẩn bị chu đáo, nên các ngân hàng không gặp vướng mắc trong triển khai”, bà Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.

Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cho biết: “Tâm lý thị trường rất tích cực trong ngày đầu áp dụng cơ chế tỷ giá mới, lượng giao dịch ngoại tệ trên thị trường thông suốt, thanh khoản tốt. Khách hàng tỏ ra phấn khởi vì cơ chế mới tạo sự linh hoạt cần thiết, giúp doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chủ động hơn”.

Phòng ngừa rủi ro bằng công cụ phái sinh

Các chuyên gia chỉ ra rằng, trước đây NHNN cam kết về mức độ điều chỉnh đối với tỷ giá trong năm, nhằm tạo định hướng về mặt chính sách để giúp doanh nghiệp và người dân có thể chủ động trong phương án kinh doanh, đầu tư, tránh những rủi ro không đáng có. Nhưng với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tỷ giá sẽ biến động mỗi ngày và rất khó để dự báo, điều này đòi hỏi doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên sử dụng các nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro.

Theo ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cơ chế điều hành tỷ giá mới cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho thị trường phái sinh ngoại tệ phát triển, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như của doanh nghiệp trong các giao dịch mua bán. Các sản phẩm phái sinh sẽ được triển khai thực hiện rộng rãi hơn, kể cả thông qua sản phẩm giao ngay hay sản phẩm kỳ hạn.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc Ban Nguồn vốn và tiền tệ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) cho rằng, cùng với việc điều hành cơ chế linh hoạt theo thị trường, NHNN cũng cần đưa ra các sản phẩm giúp doanh nghiệp có thể chủ động và tính toán thực thi các chiến lược kinh doanh của mình phù hợp với tỷ giá.

“Doanh nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro về vận hành, pháp lý, thị trường… Trong rủi ro về thị trường có rủi ro về giá cả hàng hóa, đầu ra, nguyên vật liệu đầu vào, bao gồm cả lãi suất và tỷ giá. Những  biến động đó mang tính khách quan của thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có phương pháp quản trị. Đó chính là lý do vì sao ở các thị trường tài chính phức tạp và phát triển, thay vì cố định tỷ giá, họ đưa ra các sản phẩm phái sinh để giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng hiệu quả các sản phẩm. Các sản phẩm đó, có thể là kỳ hạn, có thể là hoán đổi, có thể là tương lai, có thể là quyền chọn”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh phân tích.