Tỷ giá lên - xuống hàng ngày: Linh hoạt nhưng không tùy tiện

ANTĐ - Cách thức điều hành tỷ giá lên - xuống hàng ngày sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế; giảm bớt áp lực bán ngoại tệ can thiệp thị trường và kỳ vọng đầu cơ. 

Tỷ giá lên - xuống hàng ngày: Linh hoạt nhưng không tùy tiện ảnh 1

Gia tăng áp lực quản trị

Chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0% và chế độ tỷ giá linh hoạt mới được áp dụng sẽ có tác động tích cực và cả thêm áp lực quản trị đối với các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng sẽ giảm được chi phí trả lãi tiền gửi và tăng cơ hội mua vào (USD) trên thị trường; đồng thời, có thêm kỳ vọng kinh doanh ngoại hối dựa trên mặt bằng cung cầu và giá cả thị trường linh hoạt, biến động mau lẹ hơn. Thị trường tài chính phái sinh, nhất là thị trường quyền chọn, hợp đồng mua - bán ngoại tệ tương lai sẽ phát triển, tăng mạnh quy mô so với trước đó.

Theo NHNN, trước đây, giao dịch kỳ hạn giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng thường xuyên dưới 10 triệu USD/ngày trên toàn thị trường, thì những ngày gần đây giao dịch kỳ hạn giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng lên đến 200 triệu USD/ngày, thậm chí có ngày lên 400 triệu USD/ngày. Theo đó, doanh nghiệp cũng sử dụng nhiều hơn công cụ phái sinh, giúp bảo hiểm tỷ giá tốt hơn.

Dù vậy, một số ngân hàng và doanh nghiệp có thể chịu rủi ro tỷ giá cao hơn nếu năng lực phân tích chính sách và phản ứng thị trường chậm được cải thiện hoặc coi nhẹ việc sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thậm chí, một số ngân hàng có thể chịu áp lực khó huy động USD, trong khi gia tăng áp lực rút USD của các khoản tiền gửi cũ đáo hạn…

Nhiều quốc gia  đã lựa chọn

Thực tế thế giới và trong nước cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi quốc gia. Nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất để giữ ổn định tỷ giá trong xu hướng vận động chung “có lên - có xuống”. Linh hoạt không có nghĩa là tùy tiện thay đổi theo ý chí chủ quan vì một mục tiêu cục bộ, ngắn hạn nào đó, mà cần cân nhắc hài hòa các mục tiêu để phù hợp điều kiện lịch sử cụ thể, hướng tới lâu dài và vì lợi ích tổng thể. Linh hoạt chính sách để giữ ổn định tỷ giá không chỉ là điều kiện ổn định giá trị đồng tiền Việt mà còn có ý nghĩa chính trị và kinh tế đặc biệt, gắn với yêu cầu giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ sự ổn định và phát triển của các doanh nghiệp, củng cố niềm tin trên thị trường và hài hòa các lợi ích trong bối cảnh hiện nay. 

Chế độ tỷ giá của Việt Nam đã được xác định ở Pháp lệnh Ngoại hối là thực hiện theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, tức là linh hoạt nhưng vẫn phải có quản lý của NHNN, phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế vĩ mô; đảm bảo ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Với những giải pháp mà NHNN đã và đang triển khai, đặc biệt là việc sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán ngoại hối, ngăn chặn và hạn chế những nhu cầu ảo, không chính đáng… có nhiều cơ sở để kỳ vọng tỷ giá trong thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, không có biến động kiểu “sốc tỷ giá”.

Năm 2016 và tiếp theo, lộ trình tái cơ cấu các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ hướng tới những yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt và nhanh hơn, áp đặt tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ thế giới, nhất là về quản trị rủi ro cao hơn… Với mức độ tự do hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng ngày càng cao theo nội dung các hiệp định thương mại tự do đang và sẽ triển khai có sự tham gia của Việt Nam và với chính sách tỷ giá mới, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm cơ hội và cả áp lực mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm, lĩnh vực và quy mô kinh doanh, gia tăng các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), tìm kiếm các đối tác mới, phù hợp trong và ngoài nước, khu vực. Các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp khác, phải chủ động có kịch bản, chiến lược, bước đi cụ thể và xây dựng văn hóa kinh doanh dài hạn, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả cao hơn. 

Có thể, nhờ sự cộng hưởng những cơ hội và thách thức nêu trên, kỳ vọng về những tập đoàn tài chính - ngân hàng Việt Nam có tầm vóc hơn, có tính quốc tế và năng lực cạnh tranh cao, cũng sẽ đậm dần hơn…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Tỷ giá trung tâm bắt đầu giảm nhẹ

Từ ngày 4-1-2016, hàng ngày, NHNN sẽ công bố tỷ giá trung tâm tính theo bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng, tính tới các cân đối vĩ mô và mục tiêu quản lý Nhà nước khác; cũng như tham chiếu tương quan tỷ giá một số đồng tiền của đối tác kinh tế - thương mại lớn (trước mắt với 8 đồng tiền là: USD, EUR, NDT, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), đô la Đài Loan, Bath (Thái Lan) và theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành.

Theo đó, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do NHNN công bố hàng ngày sẽ vẫn dao động theo biên độ +/-3% như hiện nay. Cùng với đó, tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế sẽ được công bố vào các ngày thứ năm hàng tuần hoặc ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ. Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cho đến cuối ngày thứ sáu 8-1, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 21.909VND/USD. Như vậy là, tỷ giá trung tâm đã giảm 10 đồng so với phiên liền trước. Đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm.

Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng thương mại được áp dụng là 22.566VND/USD và tỷ giá sàn là 21.252VND/USD. Trên thị trường, tỷ giá USD giao dịch được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ khoảng 20-30 đồng. Hiện giá bán tại các ngân hàng đang phổ biến trong khoảng 22.510 - 22.520VND/USD.

Trước đó, trong ngày áp dụng đầu tiên 4-1, các ngân hàng đồng loạt tăng giá bán USD lên gần kịch trần. Một ngày sau, hôm 5-1, NHNN công bố tỷ giá trung tâm đắt hơn 11 đồng so với ngày đầu tiên.  Sang ngày 6-1, NHNN công bố tỷ giá trung tâm tăng 17 đồng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước đây.  Ngày 7-1, NHNN công bố tỷ giá trung tâm tăng thêm 12 đồng so với hôm trước, lên mức 21.919 đồng.