Tương lai nào cho "đế chế" Samsung?

ANTD.VN - Bản án 5 năm tù giam dành cho Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc Lee Jae-yong vì các tội hối lộ, biển thủ và một số tội khác liên quan đến vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn đang đặt ra câu hỏi về tương lai của “đế chế” khổng lồ Samsung.

Tương lai nào cho "đế chế" Samsung?  ảnh 1Hoạt động của Samsung vẫn bình thường sau khi ông Lee bị tuyên án

Theo phán quyết của Tòa án quận trung tâm Seoul hôm 25-8, người thừa kế Tập đoàn Samsung bị kết án vì đưa hối lộ 7,2 tỷ won (khoảng 6,38 triệu USD) để trả chi phí cho khóa học cưỡi ngựa của con gái bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị phế truất cách đây chưa lâu. Ông Lee cũng bị buộc tội biển thủ, che giấu tài sản ở nước ngoài và khai man. 

So với thời gian 12 năm tù mà các công tố viên Hàn Quốc đề nghị áp dụng đối với ông Lee trước đó, mức án 5 năm tù giam ngắn hơn nhiều. Tuy nhiên, bản án đối với ông Lee không chỉ là cú đánh giáng mạnh vào hình ảnh của Samsung, mà còn đặt dấu hỏi về ảnh hưởng lâu dài của tình trạng khoảng trống lãnh đạo đối với nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới này.

Người Hàn Quốc lo ngại vì dù chỉ là Phó chủ tịch tập đoàn, nhưng ông Lee Jae-yong được coi là người đàn ông quyền lực nhất của Samsung hiện tại. Thêm vào đó, ngoài việc ông Lee bị bắt giữ, Samsung còn vướng vào scandal chấn động khi sản phẩm Galaxy Note 7 trên toàn cầu bị triệu hồi do phát nổ. Trong khi đó, Samsung là tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc với hàng chục chi nhánh và chiếm tới khoảng 25% GDP và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Một số nhà phân tích cho rằng sau sự việc này, Tập đoàn Samsung có thể phải ngừng các kế hoạch đầu tư, kinh doanh mới, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Họ cũng được cho là sẽ ngừng quá trình tái cấu trúc với mục tiêu ban đầu là củng cố quyền kiểm soát của ông Lee. Bên cạnh đó, các thương vụ mua bán - sáp nhập cũng có thể bị treo một thời gian.

Thế nhưng trái với lo ngại trên, hoạt động hiện tại của tập đoàn dường như không bị ảnh hưởng gì. Lợi nhuận trong quý II vừa qua của Samsung đã lên mức cao kỷ lục. Thống kê cho thấy giá cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng hơn 60% trong vòng một năm qua. Trong khi đó, giá cổ phiếu Apple chỉ tăng 35% cùng kỳ. Ngay cả sau tin tức ông Lee bị bắt, giá cổ phiếu của Samsung cũng chỉ giảm 0,4%. Samsung vẫn tiếp tục ra mắt các dòng sản phẩm mới theo kế hoạch, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và công nghệ thực tế ảo, cụ thể là chiếc Galaxy S8 được trình làng vào cuối tháng 3 vừa rồi.

Phần lớn các nhà phân tích đều cho rằng, ông Lee bị kết án và phải ngồi tù thì hoạt động của Samsung vẫn diễn ra như thường. Bryan Ma - một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu IDC cho biết: “Samsung có một đội ngũ lãnh đạo chuyên nghiệp. Nhiều quyết định vẫn sẽ được tiến hành mặc cho việc ông Lee có phải ngồi sau song sắt hay không”.

Bên cạnh đó, các hoạt động của công ty, từ sản xuất điện thoại di động, màn hình OLED cho tới chế tạo chip đều hoạt động độc lập đến mức sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các vấn đề từ ban lãnh đạo cấp cao. Thậm chí tạp chí Forbes còn cho rằng việc ông Lee bị bắt có thể mở ra cơ hội trong công cuộc cải tổ lại các tập đoàn gia đình (chaebol) hùng mạnh tại Hàn Quốc như Samsung. 

Thực tế từ hơn một năm nay, quỹ đầu tư Elliott Management (Mỹ), cổ đông của Samsung Electronics, đã kêu gọi công ty tách đôi vì việc đó sẽ giúp đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp và việc đánh giá tài sản của công ty sẽ dễ dàng hơn. Elliot khẳng định động thái này sẽ mang lại giá trị khổng lồ cho các cổ đông. Chính vì thế, ông Lee bị tù chưa hẳn đã là một điều xấu.

Trong quá khứ, Samsung cũng từng vượt qua cơn bão tương tự khi vào năm 2008, Chủ tịch Tập đoàn Lee Kun-hee phải từ chức do vướng scandal lập quỹ đen. Mọi việc chưa phải quá bi quan với tương lai của Samsung.