Tung tin thất thiệt để triệt hạ nhau – thủ đoạn ngày càng phổ biến trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng

ANTD.VN - Thời gian qua, cơ quan Công an đã điều tra, truy xét tìm ra nhiều đối tượng cố tình phát tán tài liệu mật hay tung tin đồn thất thiệt… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính, tiền tệ.

Đây là khẳng định của đại diện Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư - Bộ Công an tại Diễn đàn An ninh tài chính và cạnh tranh doanh nghiệp diễn ra sáng nay, 25-7.

Theo đó, Thiếu tá Dương Thu Ngọc, đại diện  Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư cho biết, trong những năm gần đây, qua công tác thực tế, cơ quan này nhận thấy hoạt động của các doanh nghiệp trên lĩnh vực tài chính – ngân hàng và đầu tư đang có nhiều diễn biến phức tạp, vấn đề canh tranh giữa các doanh nghiệp không còn đơn thuần chỉ là cạnh tranh về vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm đấu thầu, trốn thuế, chuyển giá, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái hay gian lận báo cáo tài chính… mà nó còn tinh vi hơn, quyết liệt hơn.

Cụ thể như các giao dịch nội gián, đánh cắp thông tin của đối phương, tung tin đồn thất thiệt để triệt phá nhau, mua bán thông tin khách hàng, tệ tham nhũng, hối lộ, “chạy chính sách”, tác động chính sách tạo lợi thế cạnh tranh hoặc “lợi ích nhóm”, tạo điều kiện cho “sân sau” hoạt động… Đấy là những hiện tượng thực tế đã và đang diễn ra khiến cho việc canh tranh doanh nghiệp càng trở nên gay gắt.

Tin đồn thất thiệt đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của không ít doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung

Đại diện Cục nêu một số dẫn chứng cụ thể như trong lĩnh vực ngân hàng, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đang có chiều hướng phức tạp, nhiều cán bộ cấp cao bị bắt giam, điều tra liên quan đến các sai phạm trong quá trình điều hành. Nhiều cán bộ cấp cao tại các ngân hàng thương mại cổ phần bị bắt giam để điều tra về các sai phạm liên quan đến việc điều hành hoạt động và cho vay tại các công ty sân sau, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức tín dụng và an toàn của toàn hệ thống.

Một số đối tượng đã nhân cơ hội này nhắn tin, gọi điện, phát tán tài liệu với mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, hạ uy tín của đối phương. Chẳng hạn như các đối tượng đã tung tin đồn Chủ tịch một số ngân hàng lớn bị bắt. Tin đồn này đã gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán khiến các nhà đầu tư bán tháo khiến gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, vốn hóa thị trường mất đi 33.789 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD)...

Đối với thị trường chứng khoán, cơ quan công an đánh giá đây là lĩnh vực phong phú, đa dạng và rất phức tạp bởi đó là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp niêm yết và là bộ phận quan trọng của thị trường vốn. Chính vì vậy, để đảm bảo cho các doanh nghiệp giao dịch một cách bình đẳng, khách quan và trung thực là điều rất khó khăn.

Hiện tại, toàn thị trường đang có khoảng 700 doanh nghiệp niêm yết tại hai sàn Hà Nội và TP.HCM. Tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Tình trạng tung tin đồn thất thiệt vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán và tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp niêm yết.

Bên cạnh đó, tình trạng các doanh nghiệp niêm yết vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng nhiều, các vi phạm thường thấy như dừng hoạt đông không công bố thông tin, cố tình che giấu thông tin, kinh doanh không minh bạch, tạo doanh thu ảo, đánh bóng cổ phiếu, lừa đảo, trốn thuế… Cơ quan Công an đã xác minh một số vụ việc nghi thao túng giá chứng khoán, tham mưu ra quyết định xử phạt nặng đối với các doanh nghiệp này để răn đe trên toàn thị trường. Ngoài ra, cơ quan công an cũng điều tra, truy xét tìm ra các đối tượng cố tình phát tán tài liệu mật để tung tin đồn thất thiệt…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hệ thống giám sát tài chính yếu, năng lực dự báo, cảnh báo, kiểm soát kém. Một số doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, sẵn sàng tung tin đồn để triệt phá, bôi nhọ, hạ uy tín của nhau…