Tự cứu mình
(ANTĐ) - Mức hỗ trợ bù 4% lãi suất của Chính phủ để kích cầu sẽ tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp (DN) duy trì và hồi phục sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, có hàng vạn DN sẽ khó mà tiếp cận gói hỗ trợ này nếu như họ không kiếm được đơn hàng và làm ăn thua lỗ trong năm 2008.
Những DN này cho biết, sự hỗ trợ của Chính phủ không cứu được những cái đã mất trước đây của DN nên không có tác động trực tiếp. Cái nợ của những lô hàng cũ, cái thất bại của việc điều hành kinh doanh năm trước sẽ không được “hưởng hỗ trợ”.
Các DN vì những cái “lỗ” cũ này mà lao đao, không đủ điều kiện để vay mới rất khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới. Việc hoãn giảm 30% thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng không có tác dụng đối với những DN không có lợi nhuận năm 2008.
Các doanh nghiệp dệt may cần tích cực tìm kiếm hợp đồng, cơ hội xuất khẩu |
Tuy nhiên, tại một cuộc họp gần đây của Bộ Công Thương, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra quan điểm, các DN phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Chính phủ đã chấp nhận giảm thu ngân sách, giảm một loạt thuế và bù lãi suất, vậy thì, các DN không nên quá trông chờ gói hỗ trợ.
Những DN khát vốn nhất lúc này là các DN làm hàng xuất khẩu. Với các DN dệt may, việc tìm kiếm hợp đồng, cơ hội xuất khẩu giống như “năng nhặt chặt bị”. Ông Lê Quốc Ân nói, trong bối cảnh này, các DN đều cố gắng giữ thị trường truyền thống, đẩy mạnh các thị trường mới với phương châm tích cực phòng thủ, chủ động tiến công.
Lợi thế hơn các DN nước ngoài là DN Việt Nam có thể đi hai chân, làm tốt được thị trường trong nước. Được biết, các DN lớn của ngành này, đã có thương hiệu và có quan hệ truyền thống mới có đủ đơn hàng đến quý IV-2009 như May Việt Tiến, May Nhà Bè...
Tại cuộc đối thoại gần đây với các DN 2 ngành da giày, dệt may, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã gợi ý, những DN lớn đã kiếm được hợp đồng lớn thì có thể xem xét, chia sẻ lại với các DN nhỏ và vừa.
Vấn đề này, các hiệp hội sẽ phải cân nhắc, điều hành như thế nào? Trong ngành da giày, có những DN thừa đơn hàng, có những DN lại thiếu đơn hàng. Gợi ý này của Phó Thủ tướng đã được các DN hưởng ứng. Trong bối cảnh này, sự chia sẻ liên kết và hợp tác là rất cần thiết. Đồng thời, tự mỗi DN sẽ phải chấn chỉnh lại công tác tổ chức, giảm giá thành và tăng năng suất.
Với các DN thương mại như Công ty Thép Thành Đô, Giám đốc Lê Văn Hồng bày tỏ, hy vọng khi Chính phủ bù lãi suất, thị trường hồi phục, nhu cầu thị trường nóng lên thì sản phẩm sẽ có đầu ra, các giao dịch thương mại sẽ sôi động hơn.
Phạm Huyền