Triển khai 5G: Phó Tổng giám đốc Viettel nói gì?

ANTD.VN - Trong năm 2019, 5G sẽ được các nhà mạng lớn triển khai. Viettel hiện đang rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch này. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đã trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.

Triển khai 5G: Phó Tổng giám đốc Viettel nói gì? ảnh 1

Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ về 5G

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2019, Việt Nam dự kiến sẽ mở băng thông để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Vậy Viettel có tham gia thử nghiệm công nghệ này không và việc chuẩn bị cho hạ tầng công nghệ để có thể triển khai công nghệ này sẽ được Viettel triển khai ra sao?

- Ông Tào Đức Thắng: Chắc chắn Viettel sẽ tham gia việc thử nghiệm này. Cuộc thử nghiệm đòi hỏi những hạ tầng như cáp quang, các trạm phát sóng, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm. Giống như khi chuẩn bị triển khai mạng 4G, Viettel đã có lợi thế nhiều mạng cáp quang rộng khắp đến cả những vùng sâu vùng xa.

Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có thông tin về tần số để Viettel và các nhà mạng khác có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp, nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT-TT dự kiến sử dụng cho 5G.

Viettel cũng phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất các thiết bị 5G. 5G không đơn thuần là trạm BTS 5G mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G. Ví dụ nếu chúng ta chỉ có máy đầu cuối 3G thì chúng ta sẽ không dùng được 4G. Vì vậy để có được mạng hoàn chỉnh, chúng ta cần thiết bị đầu cuối, các thiết bị thu phát sóng 5G, hệ thống đường truyền, kết nối giữa trạm và tổng đài.

Với 5G, Viettel kỳ vọng cơ quan chức năng sẽ mở băng thông như thế nào để công việc triển khai được thuận tiện và hiệu quả hơn?

- Khi triển khai 4G, Viettel đã tận dụng lại (refarm) tần số trên băng thông 1.800 MHz của 2G. Chúng tôi hiểu rằng, khi đời sống phát triển lên mức cao hơn, các thuê bao sử dụng 2G sẽ di chuyển dần sang mạng 3G và 4G, chính vì vậy chúng ta đã tận dụng lại tần số trên băng thông 1.800 MHz của 2G.

Tuy nhiên Viettel thấy rằng việc sử dụng các tần số tận dụng lại là không đủ so với nhu cầu của người dân. Khi mạng có tốc độ cao thì băng thông phải có tần số rộng. Hiện nay, chúng ta chưa có băng tần dành riêng cho 4G, cơ bản các nhà mạng vẫn tận dụng lại từ 2G.

Tôi hy vọng trong thời gian tới, Bộ TT-TT sẽ sớm có quy hoạch đấu thầu, đấu giá để có tần số cho doanh nghiệp dùng cho 4G.

Thế giới cũng có quy hoạch về băng tần 5G, ví dụ băng 2.300 MHz, thậm chí có băng 2.600 MHz, 3.500 MHz. Độ rộng của tần 5G lớn hơn rất nhiều so với 4G, tôi được biết Bộ cũng rất khẩn trương để quy hoạch tần số, sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch cho 5G.

Ông đánh giá thế nào về những cơ hội và tiềm năng khi công nghệ 5G được đưa vào thực tiễn để sử dụng?

- Tôi được biết trên thế giới, một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc dự kiến 2019 hoặc 2020 sẽ triển khai 5G. Nếu chúng ta thử nghiệm, triển khai năm 2019, Việt Nam sẽ là 1 trong những nước đi đầu về triển khai 5G.

Lợi ích của 5G bao gồm ứng dụng cho một chuỗi công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa, đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp, giải quyết được nhiều các hạn chế hiện nay của những công nghệ cũ.

Với thời gian 1 năm từ lúc thử nghiệm đến lúc chính thức triển khai vào năm 2020, ông có thấy đây là quãng thời gian quá ngắn để các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông có sự chuẩn bị đẩy đủ cho 5G không?

- Với 4G, chúng tôi đã triển khai 36.000 trạm BTS trong 6 tháng. Công đoạn triển khai, lắp đặt trạm chỉ mất 1 phần thời gian. Việc cần nhiều thời gian nhất là triển khai hạ tầng đường truyền dẫn cáp quang, và các vị trí trạm thu phát sóng. Việc xây dựng 36.000 trạm cần đến hàng chục năm. Tuy nhiên khi đã có hạ tầng, việc lắp đặt các thiết bị vào là rất nhanh chóng.

Với 5G, tôi nghĩ rằng các nhà mạng đã sẵn sàng với các hạ tầng có sẵn. Mấu chốt của chúng ta là độ sẵn sàng của người dùng. Không chỉ là việc chúng ta cung cấp được dịch vụ 5G, mà người dùng liệu đã sẵn sàng cho dịch vụ này? Máy đầu cuối đã có 5G hay chưa? Điều này quan trọng hơn. Khi thị trường đã sẵn sàng, máy đầu cuối sẵn sàng, người dùng cũng sẵn sàng thì các nhà mạng với hạ tầng sẵn có, việc triển khai các thiết bị 5G trên các trạm là nằm trong tầm tay.

Kinh nghiệm của 1 số quốc gia trên thế giới khi triển khai 5G cho thấy, các doanh nghiệp có thể đấu thầu để sử dụng, khai thác phổ tần mà do nhà nước cung cấp. Vậy ở Việt Nam, theo ông có cần lưu ý gì khi bắt đầu triển khai 5G, các đơn vị như Viettel có thể tham gia đấu thầu và sử dụng khai thác nó 1 cách hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như người dân sử dụng không?

- Hiện nay, Chính phủ chúng ta cũng tổ chức đấu giá băng tần này, tôi nghĩ các nhà mạng có thể đăng ký thử nghiệm, sử dụng tần số này trong thời gian nhất định với phạm vi nhất định để thử nghiệm 5G. Tuy nhiên để triển khai và có xin phép chính thức, các nhà mạng phải tham gia đấu giá để được sử dụng tần số này và triển khai. Việc này sẽ tuân thủ theo lộ trình của Bộ TT-TT.