"Trái đắng" cho vay margin từ vụ "sập sàn" cổ phiếu FTM

ANTD.VN - Với 27 phiên giảm sàn liên tục, cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân - Fortex đã bị thổi bay hơn 85% giá trị vốn hóa. 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng ước tính bị thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro của nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin).

Cho vay hàng trăm tỷ đồng rồi ôm mớ cổ phiếu mất giá

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9, giá cổ phiếu FTM chỉ còn chưa đầy 3.500 đồng/1 cổ phiếu. Trước đó chỉ khoảng 1 tháng rưỡi, FTM đã giao dịch ở mức giá đỉnh xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng nói, trong vụ “sập sàn” cổ phiếu FTM, hàng loạt công ty chứng khoán và ngân hàng đã trở thành “nạn nhân” khi bị thiệt hại tới hàng trăm tỷ đồng từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin).

Cụ thể, thủ đoạn được cho là nhóm cổ đông lớn tại FTM đã tận dụng chính sách margin của công ty chứng khoán để cầm cố cổ phiếu FTM giai đoạn giá cao, sau đó “đánh” giá cổ phiếu sụt giảm, mất thanh khoản, khiến các công ty chứng khoán thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng và ôm mớ tài sản thế chấp là số cổ phiếu đang mất dần giá trị, thanh khoản èo uột. Trong khi giá cổ phiếu FTM chỉ còn trên 3.000 đồng/cổ phiếu thì giá cho vay margin trung bình là 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp thấp là 4.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Dù hoạt động sản xuất kinh doanh không khó khăn đột biến nhưng cổ phiếu FTM liên tục "nằm sàn" suốt 27 phiên liên tiếp

Các công công ty chứng khoán và ngân hàng này cho rằng, cổ phiếu FTM có dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.

Cụ thể, các công ty chứng khoán này cho biết đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.

Trước sự việc này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng cho biết, hiện tại đơn vị này cùng với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.

“Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm” - lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.

Cho vay margin và những hệ lụy

Trước FTM, nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra nhưng đây là vụ mà các công ty chứng khoán nếm “trái đắng” nhất từ dịch vụ cho vay margin.

Thực tế, dòng tiền margin đã góp phần quan trọng giúp thị trường chứng khoán phát triển, thông qua việc bơm thêm tiền vào thị trường. Theo đó, các công ty chứng khoán sẽ có tính toán để đưa ra tỷ lệ margin an toàn cho từng mã cổ phiếu. Tỷ lệ margin tối đa là 50%, tức là khi nhà đầu tư nạp 100 tỷ đồng vào tài khoản thì có thể được công ty chứng khoán cho vay 50 tỷ đồng để giao dịch.

Cho vay margin mang lại lợi nhuận đáng kể cho các công ty chứng khoán, nhưng cũng để lại những rủi ro không nhỏ nếu giá cổ phiếu được cầm cố giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh đi xuống, hoặc bị các cổ đông lớn “làm giá”, đánh tụt giá cổ phiếu.

Vụ việc FTM chưa có hồi kết, nhưng nếu “kịch bản” mà các công ty chứng khoán đang phác họa là sự thật thì nó cho thấy việc kiểm soát rủi ro hoạt động cho vay margin tại tại nhiều công ty chứng khoán đang có vấn đề.

Trong đó, ngoài việc “lỏng tay” cho vay thì sự thiếu liên kết giữa các công ty chứng khoán khiến họ không nắm được thông tin về cấp margin cho một mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán khác.