Tồn 6 triệu bao thuốc lá lậu vì không thể tái xuất, Bộ Tài chính lại đề nghị tiêu hủy

ANTD.VN - Từ khi quyết định số 20/2018/QĐ-TTg về xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu có hiệu lực (15/6/2018), các địa phương chưa tổ chức bán đấu giá để tái xuất và tiêu hủy được lô thuốc lá tịch thu nào. Vì vậy, lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ đã tồn trên 6 triệu bao.

Đây là vấn đề được Bộ Tài chính cho biết trong dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.

6 triệu bao thuốc lậu tồn vì không tái xuất được

Theo Bộ Tài chính, ngày 26/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Quyết định có hiệu lực từ 15/6/2018.

Sau một thời gian triển khai, Bộ Tài chính dẫn phản ánh của địa phương cho rằng, việc mời cơ quan có thẩm quyền để đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu theo quy định rất khó khăn.

Đặc biệt, chi phí thuê cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá rất cao, dẫn đến việc xử lý theo Quyết định 20 bị kéo dài, vi phạm thời hạn quy định và gây thiệt hại cho ngân sách.

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, thuốc lá nhập lậu là thuốc lá ngoại, ngoài nhãn hiệu JET và HERO còn rất nhiều chủng loại, nhãn hiệu ngoại khác. Trong khi ấy, tiêu chí xác định chất lượng thuốc lá hiện hành chỉ áp dụng với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc thuốc nhập khẩu theo tiêu chuẩn nội địa của Việt Nam.

Những tiêu chí này không phù hợp để xác định chất lượng thuốc lá ngoại, từ đó có cơ sở xác định điều kiện có được phép đấu giá xuất khẩu ra nước ngoài hay không. Do vậy, kể từ khi Quyết định 20/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ 15/6/2018 tới nay thì chưa xuất khẩu được trường hợp nào.

Trong khi đó, theo phản ánh của UBND thành phố Cần Thơ và Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, Quyết định 20 đã tạm ngưng hiệu lực của Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.

Việc này dẫn tới việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy theo Thông tư 19/2015/TT-BTC (có căn cứ ban hành theo Quyết định 2371/QĐ-TTg) không thực hiện được nữa.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu chủ yếu tập trung tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp với Campuchia, chủ yếu là nhãn hiệu JET và HERO.

Lượng hàng này chiếm trên tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Căn cứ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu, các loại thuốc lá nhập lậu nêu trên đều không phù hợp với quy chuẩn (hàm lượng Nicotine, Tar vượt ngưỡng).

Nhiều vướng mắc khiến các cơ quan chức năng không thể tái xuất được thuốc lá lậu

Trong khi ấy, chiếu theo Quyết định 20, các lô hàng trên chỉ được “xuất khẩu qua các cửa khẩu cảng biển, cảng hàng không; không được xuất qua cửa khẩu đường bộ”. Điều này sẽ khó có khả năng thực hiện được bởi các loại thuốc JET và HERO chủ yếu được sản xuất để phục vụ người dân Campuchia và các tỉnh miền Tây của Việt Nam. Việc xuất khẩu nếu có thực hiện được thì chỉ xuất đi Campuchia.

Đề xuất 2 phương án xử lý

Trên cơ sở những vướng mắc trên, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg. Theo đó, Bộ đề xuất hai phương án.

Phương án 1 là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg, tiếp tục thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg.

Phương án này được cho là sẽ giải quyết triệt để vấn đề thuốc lá lậu qua biên giới cũng như tuân thủ yêu cầu về tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu tại Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2371/QĐ-TTg, Thông tư 19/2015/TT-BTC, giải quyết được số lượng thuốc lá còn tồn đọng tại các địa phương.

Tuy nhiên, nhược điểm được Bộ đưa ra là có thể lãng phí trong trường hợp các lô hàng bắt giữ còn chất lượng có trị giá lớn, có khả năng xuất khẩu ra nước ngoài.

Phương án 2 được Bộ đưa ra là thay thế Quyết định số 20 bằng quyết định mới. Hướng sửa đổi là giao quyền chủ động trong việc lựa chọn phương án tiêu hủy hoặc bán đấu giá để xuất khẩu cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu.

Phương án này sẽ tạo điều kiện cho một số địa phương có số lượng thuốc lá bị xử lý tịch thu lớn xem xét tình hình thực tế, giá trị lô hàng bắt giữ để đề xuất việc tái xuất ra nước ngoài nếu có đối tác thu mua. Ngoài ra, việc tái xuất thuốc lá còn chất lượng bị tịch thu sẽ thu được một số tiền, tránh lãng phí của cải xã hội.

Tuy vậy, điều lo lắng với phương án trên là việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu có thể bị một số nước tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và Tổ chức Y tế thế giới phản đối.