Tôm hùm đỏ vẫn đang được nghiên cứu, khảo nghiệm

(ANTĐ) - Trao đổi với phóng viên ANTĐ,  ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ sự thất vọng với những thông tin chưa đầy đủ về rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày vừa qua. Sau những thông tin về rùa tai đỏ, trong số báo này, ông Dương Văn Thể tiếp tục trao đổi thêm vấn đề liên quan đến tôm hùm đỏ nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát, khách quan về loài tôm mới xuất hiện ở Việt Nam…

Tôm hùm đỏ vẫn đang được nghiên cứu, khảo nghiệm

(ANTĐ) - Trao đổi với phóng viên ANTĐ,  ông Dương Văn Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bày tỏ sự thất vọng với những thông tin chưa đầy đủ về rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày vừa qua. Sau những thông tin về rùa tai đỏ, trong số báo này, ông Dương Văn Thể tiếp tục trao đổi thêm vấn đề liên quan đến tôm hùm đỏ nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát, khách quan về loài tôm mới xuất hiện ở Việt Nam…

Tôm hùm đỏ vẫn đang được nghiên cứu, khảo nghiệm ảnh 1
Tôm hùm đỏ vẫn đang được nghiên cứu, khảo nghiệm

Được nuôi ở nhiều nước

Theo ông Thể, tôm hùm đỏ (Procambarus clarkii) còn có tên là tôm hùm nước ngọt, tôm rồng (tên tiếng Anh là Redswam Crawfish, Crayfish, crawdads) là loài tôm nước ngọt, vỏ cứng, có nguồn gốc Bắc Mỹ. Tôm hùm đỏ sống bò đáy, hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Chúng sống trong đầm hồ, sông ngòi, ao, kênh mương nơi có nền đáy là đất thịt, nhiều rong cỏ, rễ cây. Ban ngày chúng thường nằm yên, đến đêm đi kiếm mồi. Tôm có khả năng bò, leo và thường đào hang vào thời kỳ sinh sản.

Tôm hùm đỏ ăn tạp, thức ăn chính là mùn bã hữu cơ, ngoài ra chúng còn ăn nhiều loại thức ăn khác như ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến. Tôm thành thục sau 10-11 tháng tuổi. Tôm cái đẻ trứng 1 lần trong năm. Loài tôm này đã được nuôi ở hơn 20 quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Thụy Điển, Trung Quốc… Từ những năm 30 của thế kỷ XX tôm hùm nước ngọt được nhập từ Nhật Bản vào Trung Quốc và phát tán ra hơn 20 tỉnh đã hình thành quần đàn khá lớn ở hạ lưu sông Trường Giang.

Sản phẩm tôm nguyên con hoặc tôm nõn loài này là một trong những mặt hàng xuất nhập khẩu của một số nước. Năm 2000, tổng sản lượng tôm hùm nước ngọt thương mại khoảng trên 110.000 tấn. Trong đó Mỹ chiếm 55%, Trung Quốc 35%. Giá xuất khẩu từ vài USD đến hơn 10 USD/kg. Sản lượng tôm hùm ở Mỹ năm 2005 đạt khoảng 120.000 tấn. Sản lượng tôm hùm đỏ ở Trung Quốc từ năm 2003 trở lại đây khoảng 350.000 tấn/năm. Tôm hùm đỏ được nuôi trong ao và có thể kết hợp với trồng lúa. Năm 1997 Trung Quốc đã xuất 4.600 tấn tôm thịt tương đương với 36.000-40.000 tấn tôm nguyên con. Ngoài thịt tôm ra, vỏ tôm còn là một nguyên liệu rất tốt để sản xuất kem dưỡng da và các loại mỹ phẩm.

Việt Nam đang nghiên cứu khảo nghiệm

Ông Thể cho biết thêm, nhận thấy tôm hùm nước ngọt là loài thủy sản có giá trị kinh tế nhưng cũng có thể tác động ảnh hưởng tới môi trường sinh thái nên chúng ta chưa thể đưa vào nuôi trên diện rộng được ngay. Tháng 7-2007 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đồng xét duyệt đề tài hội  “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm hùm nước ngọt thích hợp với các tỉnh phía Bắc” và giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thực hiện tại tỉnh Phú Thọ. Đây là đề tài nghiên cứu kỹ thuật nuôi, khảo nghiệm sự thích ứng phát triển của nó trong điều kiện miền Bắc nước ta và đánh giá tác động tới môi trường sinh thái. Đề tài này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010. Theo quy chế quản lý hiện hành, khi kết thúc, Hội đồng khoa học sẽ đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu theo mục tiêu đặt ra, hiệu quả kinh tế đạt được, xem xét những kiến nghị, cảnh báo của cơ quan thực hiện đề tài đưa ra để tham mưu cho Bộ có thể cho phát triển nuôi kèm theo biện pháp quản lý thích hợp nếu chúng có nhiều lợi ích hoặc không nên cho nuôi.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới chỉ cấp phép cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I nhập loài tôm này đủ số lượng để thực hiện đề tài nghiên cứu, chưa cấp phép cho bất cứ một đơn vị nào khác. Những tổ chức, cá nhân nào nhập lậu tôm hùm đỏ về nuôi sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành và buộc tiêu hủy toàn bộ số tôm nhập lậu đó.

Nhóm PV Bạn đọc