Tối ưu chính sách thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp

ANTĐ - Theo đại diện Bộ Tài chính, bối cảnh hội nhập đang đặt ra những áp lực không nhỏ với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, việc sửa đổi đồng bộ các luật thuế đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, củng cố niềm tin kinh doanh và tạo cú hích mạnh mẽ cho doanh nghiệp. 

Ưu đãi, miễn giảm và cải cách 

Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm kết thúc việc ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP và các hiệp định thương mại tự do. Bối cảnh hội nhập đặt ra những áp lực không nhỏ đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

“Trước những cơ hội và thách thức mới, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm trợ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập, trong đó có các giải pháp về thuế”, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho biết.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng: “Những vấn đề doanh nghiệp quan tâm nhất là mức động viên về thuế suất, quy định về các chi phí được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế và các quy định về ưu đãi thuế. Cả 3 nội dung này đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua”.

Tối ưu chính sách thuế để hỗ trợ cho doanh nghiệp  ảnh 1

Các chính sách thuế đã và đang tiếp tục được sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Cụ thể, về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp đã được điều chỉnh từ 25% xuống còn 22% từ năm 2014 và từ năm 2016 mức thuế suất phổ thông được hạ xuống 20%. Riêng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh thu từ 20 tỷ đồng/năm trở xuống) được ưu tiên áp mức thuế 20% ngay từ nửa cuối năm 2013.

Điểm đáng chú ý nhất trong chính sách thuế từ năm 2015 trở đi là gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn đối với khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường. Theo đó, những khoản chi trên, doanh nghiệp được tính vào chi phí, được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế…

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, có 3 nội dung mới mà doanh nghiệp được hưởng lợi từ năm 2015. Thứ nhất là bổ sung quy định về đối tượng, khoản thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Thứ hai là bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nếu đáp ứng tiêu chí. Thứ ba, bổ sung vào diện đối tượng được hưởng ưu đãi thuế ở mức cao nhất đối với dự án sản xuất có quy mô lớn…

Cắt giảm mạnh số giờ nộp thuế

Trên cơ sở nhận định rõ những nguyên nhân, tồn tại ảnh hưởng đến thời gian để thực hiện thủ tục khai, nộp thuế của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội và triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong đó tập trung vào công tác cải cách, giảm thời gian khai, nộp thuế của doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, tính tới 1-1-2015, số giờ làm các thủ tục về thuế đã cắt giảm được 369,86 giờ/năm, năm 2015 phấn đấu giảm tiếp 45,5 giờ nộp thuế để đạt mức 171 giờ/năm, bằng mức bình quân của 6 nước ASEAN. 

Từ phía doanh nghiệp, ông Vũ Phong Quyết - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng (Lạng Sơn) cho rằng: “Thực hiện Đề án 30 và Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó có giải pháp, chính sách về thuế, niềm tin của doanh nghiệp và người dân đã tăng lên. Vấn đề thuế được chỉnh sửa, bổ sung nhiều hạng mục điều khoản".

Tuy nhiên, theo ông Quyết, "một số chính sách hỗ trợ cho đối tượng nộp thuế chỉ phù hợp với những nơi có khu công nghiệp, khu đô thị... Với những vùng miền xa xôi, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ hơn nữa”. 

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng, nhưng không phải là tất cả. Th.S Lê Minh Hương - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng: “Muốn thành công trong hội nhập thì yếu tố then chốt vẫn là doanh nghiệp phải thực sự quan tâm đến cơ hội và thách thức. Doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, nâng cao trình độ khoa học công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực, phải tìm hiểu thị trường, xác định lợi thế so sánh, tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”.