Thuế nhập khẩu xăng dầu:

Tính cách nào để có lợi cho người tiêu dùng?

ANTĐ - Trong khi Bộ Tài chính và một số chuyên gia kinh tế cho rằng,  việc áp dụng thuế bình quân gia quyền vào công thức tính giá cơ sở là cách “hợp lý nhất trong thời điểm hiện nay” thì Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) lại không đồng tình. Theo VINPA, cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo thuế bình quân gia quyền là trái với Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và gây ra nhiều bất cập. 

Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn gây tranh cãi

Lợi bất cập hại

Việc thuế nhập khẩu mặt hàng xăng được neo ở mức cao sẽ kéo giá cơ sở mặt hàng xăng tăng. Khi đó, người tiêu dùng chịu thiệt. Ngược lại, nếu thuế nhập khẩu mặt hàng xăng chỉ áp ở mức 10% thì giá xăng sẽ giảm đáng kể. Từ tháng 4-2016, Bộ Tài chính đã áp dụng thuế bình quân gia quyền để tính thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp thuế như vậy là lựa chọn tối ưu trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện cách tính thuế này, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã phản ánh những bất cập do cách tính thuế này mang lại.

Theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng hiện là 10%. Trên thực tế, đa số doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang chịu mức thuế nhập khẩu này. Tuy nhiên, trong bảng giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, thuế nhập khẩu xăng được tính theo thuế bình quân gia quyền đang áp đặt mức hơn 18,3%. Đại diện VINPA cho rằng, việc áp thuế này gây ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. “Năm 2016, chắc chắn lượng nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc sẽ rất lớn. Từ quý II-2016 trở đi, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Những công ty nhỏ chưa có điều kiện nhập hàng từ thị trường Hàn Quốc sẽ thiệt thòi, buộc phải nhập từ các thị trường khác với mức thuế trên 20%, trong khi các “ông lớn” như Petrolimex, PV Oil, Thành Lễ, Saigon Petro… sẽ thuận lợi hơn”- đại diện VINPA phân tích.

Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch VINPA cho rằng, lẽ ra, doanh nghiệp nào nhập hàng từ ASEAN với thuế suất 2% thì thuế nhập khẩu xăng cần áp mức này để tính giá cơ sở. Tương tự, doanh nghiệp nhập hàng từ Hàn Quốc với thuế 10% thì phải áp thuế 10%. Theo ông Phan Thế Ruệ, cần có 2 mức thuế để tính giá cơ sở”. “Lượng hàng nhập từ đâu, bao nhiêu đều có hải quan theo dõi. Nếu chịu ứng dụng công nghệ thông tin, nhất định sẽ tính được thuế theo cách này”- Chủ tịch VINPA nhấn mạnh. 

Cách tính nào hợp lý?

Xung quanh vấn đề này, Bộ Tài chính cho hay: “Nếu thuế nhập khẩu (trong công thức tính giá cơ sở) được tính theo mức thuế ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế - thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu do không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp.

Trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không muốn bị lỗ, chỉ nhập khẩu từ nguồn áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất và không nhập khẩu từ nguồn khác có thuế suất cao hơn thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”. 

Tuy nhiên, VINPA cho rằng, việc áp thuế bình quân gia quyền đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay là trái với quy định tại Nghị định 83/NĐ-CP. Bởi theo quy định, thuế tính giá cơ sở là thuế nhập khẩu, chứ không phải thuế nhập khẩu bình quân. “Việc áp thuế bình quân gia quyền cho thấy các cơ quan quản lý đang cố níu thuế nhập khẩu ở mức trên 20%, hướng doanh nghiệp nhập khẩu từ ngoài thị trường Hàn Quốc để tăng thu ngân sách, nhưng điều này là vô lý. Bởi doanh nghiệp hoạt động theo thị trường. Cần mở cửa thị trường xăng dầu càng sớm càng tốt. Áp dụng thuế bình quân gia quyền là không đúng và không minh bạch. Việc áp dụng cách tính này chỉ mang tính tương đối, chỉ áp dụng trong thống kê chứ không áp dụng trong thực tế điều hành” - đại diện VINPA cho hay.

Vậy làm thế nào để đảm bảo nguồn thu ngân sách; đảm bảo giá xăng dầu minh bạch và người tiêu dùng và doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng? Theo các chuyên gia, nên điều chỉnh tăng thuế nội địa. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường nhiều khả năng sẽ tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít vào năm 2017 thay vì 3.000 đồng/lít hiện nay. Đồng thời, cần điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. “Điều chỉnh thuế như vậy sẽ giúp doanh nghiệp dễ hoạt động, giá xăng dầu minh bạch, lại dễ điều hành. Mức tăng 2 sắc thuế trên tương đương việc áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hiện nay, tức Nhà nước đảm bảo thu ngân sách, giá xăng không đổi nên người tiêu dùng cũng không bị ảnh hưởng, không vi phạm cam kết hội nhập”- đại diện VINPA kiến nghị.

Xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, dù áp dụng cách tính thuế nào thì việc đảm bảo minh bạch, công bằng lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.