Tín dụng sụt giảm, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh

ANTD.VN - Tín dụng tăng trưởng chậm lại khiến thanh khoản của các ngân hàng đang dư thừa, dẫn đến doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đồng loạt giảm mạnh.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động ngân hàng tuần từ ngày 13-17/4.

Theo đó, lãi suất huy động VND không có nhiều biến động, hiện đang phổ biến ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Trong khi đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,5%/năm. Đây là mức lãi suất được các ngân hàng điều chỉnh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Dù lãi suất giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất kém

Đáng nói, doanh số giao dịch và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh.

Cụ thể, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong kỳ đạt xấp xỉ 249.834 tỷ đồng, bình quân 49.967 tỷ đồng/ngày, giảm  4.490 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 120.042 tỷ đồng, bình quân 24.008 tỷ đồng/ngày, tăng 497 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.

Các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (71% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (15% tổng doanh số giao dịch).

Không chỉ doanh số giao dịch giảm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh. Đối với các giao dịch bằng VND, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt là 1,69%/năm, 1,93%/năm và 2,94%/năm. Các mức lãi suất này đã giảm sâu tới gần 1 điểm phần trăm so với tuần trước đó (lần lượt 2,78%/năm, 2,89%/năm và 3,64%/năm).

Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần cũng giảm mạnh ở các kì hạn chủ chốt so với mức lãi suất tuần trước. Cụ thể, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 1,17%/năm, 1,18%/năm và 0,79%/năm xuống mức 0,21%/năm, 0,37%/năm và 1,01%/năm.

Việc giá trị giao dịch và lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh cho thấy các ngân hàng đang khá dư thừa thanh khoản nên không có nhu cầu vay mượn lẫn nhau.

Nguyên nhân có thể đến từ tăng trưởng tín dụng chậm do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.

Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 16/4, dịch Covid-19 đã tác động đến ngành ngân hàng, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 0,78% so với cuối năm 2019.

Trước đó, cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,3%. Như vậy, kể từ đầu tháng 4, tín dụng đã sụt giảm hơn 5%.