Tìm hướng cho hàng nội thắng thế

ANTĐ - Chưa đến thời hạn các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết có hiệu lực nhưng hiện tại, hàng ngoại đã tràn ngập thị trường Việt Nam, đặc biệt là các loại hàng tiêu dùng thiết yếu: thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm... Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, hàng nội muốn thắng thế phải chiếm được cảm tình của người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Tìm hướng cho hàng nội thắng thế ảnh 1Thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Hàng ngoại vào chợ truyền thống

Bà Lê Thị Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nếu tính về số lượng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang đứng đầu về số lượng hàng ngoại tại thị trường Việt Nam, tiếp đến là hàng Thái Lan. “Sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Lợi thế của hàng hóa Trung Quốc và Thái Lan là đa dạng chủng loại, mẫu mã phong phú và giá cả cạnh tranh” - đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay. Ngoài ra, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam còn có sự hiện diện sản phẩm từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức... 

Với sản phẩm cụ thể là giấy, ông Nguyễn Việt Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cho hay, năm 2014, giấy nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản đạt khoảng 150.000 tấn, nhưng 6 tháng đầu năm 2015, lượng hàng nhập khẩu đã đạt 85.000 tấn, bằng 123% cùng kỳ năm 2014. Thuế suất giấy nhập khẩu đang là 0-1%. Những thống kê trên cho thấy, hàng nội không phải đứng trước nguy cơ cạnh tranh với hàng ngoại, mà “cuộc chiến” đã thực sự bắt đầu.

Xét về mạng lưới phân phối, sự xuất hiện ngày càng nhiều của chuỗi cửa hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng kéo theo thực trạng hàng ngoại có mặt khắp mọi nơi. Có thể kể đến chuỗi cửa hàng “Hàng Nhật nội địa”, chỉ trong một thời gian ngắn, chuỗi bán lẻ này đã có mặt tại những tuyến phố sầm uất vào bậc nhất Hà Nội như Thái Hà, Trần Đăng Ninh... Hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được bày bán trong hệ thống bán lẻ này, từ đồ gia dụng, đến sản phẩm thời trang, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm... Tương tự, chuỗi cửa hàng “1 euro” lại bày bán các sản phẩm hàng tiêu dùng có xuất xứ từ châu Âu, K-mart giới thiệu hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc. 

Bình luận về tình trạng xâm lấn của hàng ngoại, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng: “Chúng ta sản xuất hàng hóa đi ngược với mục tiêu của các nước khác trên thế giới. Họ sản xuất hàng tốt phục vụ trong nước, còn Việt Nam lại sản xuất hàng tốt phục vụ xuất khẩu. Hàng tiêu dùng nội địa không được ưu tiên nên yếu thế cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa”.

Thị trường nông thôn - nguồn tăng trưởng mới

Theo ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), trong khi tỷ lệ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh tại 6 thành phố chính gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng dường như bị bão hòa, thì thị trường nông thôn nổi lên như một nguồn tăng trưởng mới. Mặc dù chiếm gần 70% dân số cả nước nhưng doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh ở khu vực này mới chỉ chiếm 54%. Thêm vào đó, tăng trưởng thu nhập của khu vực nông thôn vào khoảng 44% trong 3 năm qua. “Thị trường nông thôn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp biết đến. Việc mở rộng đến thị trường nông thôn ở Việt Nam là phù hợp” - ông Phan Chí Dũng khẳng định. 

Dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, thành công hay thất bại của một thương hiệu hay sản phẩm “nằm trong tay” hệ thống bán lẻ truyền thống.

Năm 2015, hơn 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đến từ kênh thương mại này, trong đó gồm cả 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, vấn đề cần giải quyết là hiện chỉ có 70% số cửa hàng bán lẻ truyền thống thực hiện đúng các yêu cầu từ các nhà sản xuất trong việc phân phối sản phẩm, nhất là vấn đề bảo quản sản phẩm theo yêu cầu của nhà sản xuất. Vì thế, để chiến thắng hàng ngoại, “các nhà sản xuất phải xác định đúng các cửa hàng mục tiêu, vì không dễ để có chỗ đứng trong một thị trường bán lẻ lớn, năng động và luôn thay đổi”- vị đại diện nhấn mạnh.