Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(ANTĐ) - Ngày 5-12, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính cùng đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(ANTĐ) - Ngày 5-12, tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Tài chính cùng đại diện các Hiệp hội và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách một cách linh hoạt nhằm giảiquyết các vướng mắc của doanh nghiệp (Ảnh có tính minh họa)

Ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách một cách linh hoạt nhằm giảiquyết các vướng mắc của doanh nghiệp   
(Ảnh có tính minh họa)

Chờ qua cơn khó

Theo ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công Thương thành phố Hà Nội, hiện có 41% số DN đã co cụm lại, 23% DN không có kế hoạch cho năm mới. Mặc dù các ngân hàng liên tục hạ mức lãi suất cho vay nhưng bản thân các DN chỉ vay khi bắt buộc phải hoàn thành một dự án. Chờ đợi thời kỳ khó khăn qua đi, là xu hướng của nhiều DN trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các DN vẫn có mong muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong tương lai gần.

Hiện nay, vốn tự có của các DN rất hạn chế, các khoản đầu tư phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng (NH), nhiều DN có nhu cầu vay vốn gấp 2-4 lần vốn chủ sở hữu. Không chỉ khó khăn về vốn mà DN còn gặp khó về thị trường, một bộ phận DN còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý tài chính. Trình độ và năng lực quản lý còn thấp, báo cáo tài chính chưa qua kiểm toán cũng như khả năng lập phương án vay vốn, dự án đầu tư của các doanh nghiệp còn chưa chuyên nghiệp, nên không đáp ứng yêu cầu của các NH.

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển mạnh và chiếm tỷ trọng cao trong nhiều ngành dịch vụ, đóng góp trên 20% GDP và trên 10% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố; chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của địa phương, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho nhiều người. 

Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết: “Trong tháng 10-2008, đã có hơn 25.000 hồ sơ tín dụng được các NHTM tiếp nhận và số hồ sơ được thẩm định, chấp thuận cho vay chiếm 87,4% tổng số hồ sơ. Tuy nhiên, hồ sơ được chấp thuận chủ yếu là khách hàng cũ”. Nguyên nhân khiến ngân hàng không chấp thuận các hồ sơ cho vay chủ yếu thuộc về khách hàng.

Trước những khó khăn đó, đại diện cho các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị. Theo ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công Thương Hà Nội, các NH cần chủ động phát huy vai trò “bà đỡ” cho DN. NHNN cần trao thêm nhiều quyền để các NHTM tự chủ, bãi bỏ hạn mức tín dụng 30%, và cho phép bảo lãnh các khoản tiền gửi tiết kiệm của các đối tượng.

Đặc biệt, các DN mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng như ngành thuế thực hiện điều chỉnh kịp thời đối với các loại thuế suất DN, hỗ trợ về lãi suất bên cạnh việc khoanh, giãn nợ, cho phép DN chậm đóng thuế. Các cơ quan chức năng cũng phải triệt để thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những hành vi quan liêu gây phiền nhiễu cho DN, nhất là giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn những chi phí không chính thức cho các DN.

“Tháo nút” khó khăn

Đến hết tháng 10-2008, dư nợ cho vay đối với DNNVV đạt 75.452 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tỷ trọng 30,6% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ hồ sơ được giải quyết cho vay đối với loại hình DN này khoảng 70% tổng số hồ sơ nhận được.

 Tuy tốc độ tăng dư nợ cho vay DN này cao hơn tốc độ tăng dư nợ của các tổ chức tín dụng trong 10 tháng đầu năm 2008 (28% so với tốc độ tăng tổng dư nợ là 20,6%) nhưng thấp xa tốc độ tăng cùng kỳ năm 2007 (tháng    10-2007 tăng trên 60%).

Riêng dư nợ cho vay đối với DN sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đến tháng 10-2008 khoảng 48.786 tỷ đồng (kể cả ngoại tệ quy đổi), chiếm tỷ trọng 19,8% tổng dư nợ của các NHTM trên địa bàn. Tỷ lệ  hồ sơ được giải quyết cho vay đối với loại hình DN này khoảng 90% tổng số hồ sơ nhận được. Tính tới thời điểm này, lãi suất cho vay của các NH đã giảm trung bình từ 0,5-2% so với thời gian trước.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Hiệp hội DNnvv thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay các NH đang dư vốn trong khi DN “khát” vốn, vì vậy, NH và các hiệp hội cần chủ động tăng cường sự liên kết và hợp tác  để các DN nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn và vay vốn. Hơn nữa, cũng cần phải tuyên truyền sâu rộng, phát huy năng lực của Quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ kịp thời các DN nhất là thời kỳ khó khăn. Việc kích cầu cũng cần được triển khai kịp thời, qua đó tạo đầu ra cho các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp như điều chỉnh lãi suất, giãn thuế, hoãn thuế... cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, các NH cần nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ DN đi liền với quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng.

Các DN cũng phải khắc phục những yếu kém vừa qua, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Vấn đề kích cầu đẩy mạnh SX trong điều kiện kiềm chế lạm phát phải hợp lý dựa trên lựa chọn khoảng trống phù hợp của thị trường. Về hỗ trợ đầu ra cho các DN, ngoài xúc tiến thương mại, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến nâng cao năng lực cạnh tranh DN, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc NHNN cũng đưa ra một số giải pháp cần thực hiện ngay. Giao cho Ngân hàng Phát triển thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. NHNN tiếp tục điều hành chính sách một cách linh hoạt, chủ yếu hướng về tăng tính thanh khoản và điều hành lãi suất giảm dần. Chỉ đạo cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Thành lập tổ đặc trách nằm bên cạnh NHNN nhằm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp.

Anh Tú