Thương hiệu Việt: Làm "ẩu" sẽ đánh mất thị trường và lòng tin người tiêu dùng

ANTD.VN - Không ít thương hiệu hàng Việt lớn đã khẳng định vị thế trên thị trường thế giới nhưng việc bảo vệ thương hiệu cho hàng Việt lại chưa thực sự được quan tâm.

Nếu không nhắc đến những thương hiệu Việt đã quá nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà cả trên trường quốc tế như Viettel, Vinamilk, May 10, Việt Tiến… thì hàng Việt còn gì? Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), thuộc Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã “điểm danh” nhiều cái tên sáng giá, quen thuộc, cho thấy bức tranh khá toàn diện về hàng Việt ở thời điểm hiện tại. 

Xây khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn 

Và “nếu kể tên ra hết, ai nói rằng hàng Việt “nghèo nàn”, thương hiệu Việt khó để gọi tên? Như một quy luật dễ hiểu của thị trường, còn bán được nghĩa là vẫn có người tiêu dùng tin dùng. Với chừng ấy năm, doanh nghiệp Việt Nam nghiễm nhiên chứng minh được năng lực ấy” - BSA cho hay.

“Thông tin những vụ việc liên quan tới hàng hóa xuất khẩu cần thận trọng bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, đến thương hiệu hàng hóa ở trong nước và quốc tế. Cần bình tĩnh suy xét vụ việc trước khi công bố rộng rãi, nhất là trong thời buổi mạng xã hội thông tin nhanh như bây giờ. Giả sử nếu đúng là “cà phê trộn pin”, cần xử đúng người đúng tội và công bố rộng rãi để ngăn chặn hành vi này tái diễn”.

Ông Vũ Vinh Phú (nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương)

Tuy nhiên, kết quả khảo sát hàng Việt Nam chất lượng cao của Hội doanh nghiệp HVNCLC vừa công bố trước Tết Nguyên đán 2018 cho thấy những thay đổi đáng ngại - đó là sản phẩm trong nước dù còn chiếm ưu thế trên thị trường với tỉ lệ số đông người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng (51% và 60%) nhưng tỉ lệ này đã giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2017. 

Theo các chuyên gia kinh tế, chất lượng và thương hiệu là yếu tố song hành với nhau. Để duy trì được thương hiệu, doanh nghiệp cần phải giữ chất lượng ổn định và phải có xu hướng nâng cao hơn. Nhưng trên thực tế, không ít vụ việc nhập nhèm chất lượng, xuất xứ hàng hóa đã khiến một vài thương hiệu hàng Việt đình đám cũng phá hủy nhanh chóng. 

Đơn cử như vụ việc Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc năm 2017 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả ngành dệt lụa của Việt Nam, đến thương hiệu quốc gia Việt Nam. Mới đây nhất, vụ việc “cà phê trộn pin” dù vẫn đang trong quá trình điều tra, làm rõ song vẫn gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, bởi cà phê không chỉ là thức uống được yêu chuộng, tiêu dùng rộng rãi tại thị trường trong nước mà còn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thị trường nước ngoài.  

Phải thận trọng trong công bố thông tin

Bình luận về vụ việc này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương) cho rằng, thông tin “cà phê trộn pin” ngay sau khi được đưa ra đã khiến người tiêu dùng bàng hoàng. Nhiều ý kiến cho rằng người Việt đang hại chính người Việt. Dù vậy, theo ông Vũ Vinh Phú: “Thông tin những vụ việc liên quan tới hàng hóa xuất khẩu cần thận trọng bởi có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, đến thương hiệu hàng hóa ở trong nước và quốc tế. Cần bình tĩnh suy xét vụ việc trước khi công bố rộng rãi, nhất là trong thời buổi mạng xã hội thông tin nhanh như bây giờ. Giả sử nếu đúng là “cà phê trộn pin”, cần xử đúng người đúng tội và công bố rộng rãi để ngăn chặn hành vi này tái diễn”.

Cũng theo vị chuyên gia thị trường này, bên cạnh việc phải thận trọng trong công bố thông tin, tránh ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt. Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp Việt cần thực sự nghiêm túc, trách nhiệm trong sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu, để đảm bảo chất lượng hàng hóa ổn định, mẫu mã thu hút, không thể làm “ẩu” để đánh mất thị trường, đánh mất lòng tin của người tiêu dùng.

Điều tra, xác minh nghiêm túc vụ việc “cà phê trộn pin”

Kết luận tại Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu diễn ra ngày 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Công an tỉnh Đắk Nông cần sớm điều tra nghiêm túc, khởi tố vụ việc phát hiện cà phê trộn lõi pin. “Ở một vài nơi vẫn còn tình trạng con sâu làm rầu nồi canh và dẫn chứng là câu chuyện cà phê trộn lõi pin ở Đắk Nông và vụ việc thực phẩm chức năng làm từ bột than tre ở Hải Phòng mới đây. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông sớm điều tra, khởi tố vụ việc cà phê trộn lõi pin” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm hành vi bơm tạp chất vào tôm, làm ảnh hưởng đến uy tín hàng Việt Nam xuất khẩu, đồng thời để bảo vệ người tiêu dùng trong nước.