Thương hiệu “sinh lời” cho doanh nghiệp

ANTĐ - Là tài sản quý của doanh nghiệp nhưng thương hiệu lại “vô hình” và chưa được chú ý tới. Muốn hàng hóa Việt Nam ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu ra toàn cầu và đủ sức cạnh tranh với hàng hóa từ các nước tràn vào, thì sản phẩm Việt Nam nhất định phải có thương hiệu tầm cỡ. 

Thương hiệu “sinh lời” cho doanh nghiệp ảnh 1Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải có thương hiệu mạnh
mới mở rộng được thị trường

Không thể nổi tiếng bằng giá rẻ

Chia sẻ câu chuyện thành công của doanh nghiệp, ông Stephen Kreppel - Chuyên gia xây dựng thương hiệu quốc gia, Công ty tư vấn National consultancy cho biết, CEO Steve Jobs làm việc cho hãng công nghệ nổi tiếng Apple với các sản phẩm đẳng cấp như: iPhone, iPad… Thế giới biết đến sản phẩm của Apple không phải vì giá rẻ, bình dân mà vì chất lượng. “Và Steve Jobs đã giới thiệu được điều này cho sản phẩm của mình đến toàn thế giới. Vì vậy, mối quan tâm chung của các doanh nghiệp là luôn tìm cách quảng bá sản phẩm của mình và khiến người tiêu dùng phải biết được chất lượng tuyệt hảo ở những sản phẩm mình mang đến” - ông Stephen Kreppel nói. Với vai trò một chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu và vai trò một doanh nhân, đại diện Công ty tư vấn National Consultancy cho rằng, cạnh tranh bằng giá rẻ trong kinh doanh đã không còn phù hợp. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại chưa chú ý đến thương hiệu và đầu tư thích đáng cho yếu tố này.

Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn theo lối mòn truyền thống, tập trung đầu tư cho các loại tài sản hữu hình là: nhà máy, đất đai… Những tài sản vô hình như: sở hữu trí tuệ, thương hiệu ít được quan tâm. “Chúng ta mới đặt mục tiêu đến năm 2020 có sản phẩm thương hiệu nổi tiếng trong khu vực, mà chưa dám đặt mục tiêu có sản phẩm nổi tiếng thế giới. Xây dựng thương hiệu ở Việt Nam vẫn bị đánh đồng với truyền thông, quảng cáo, tiếp thị và thuộc sự quản lý của bộ phận marketing trong doanh nghiệp. Đây là thách thức của doanh nghiệp Việt Nam. Theo tôi cần có sự thay đổi cách nhìn về thương hiệu từ chiến thuật đến chiến lược” - bà Phạm Thị Thu Hằng nhấn mạnh. 

Những hạn chế trong xây dựng thương hiệu ở Việt Nam xuất phát từ đặc thù của các doanh nghiệp nước ta, do hầu hết thuộc sở hữu Nhà nước, sở hữu gia đình nên người đứng đầu doanh nghiệp thường có tầm nhìn ngắn hạn về thương hiệu. 

Lấy một ví dụ từ hàng hóa Trung Quốc, ông Stephen Kreppel cho rằng: “Trung Quốc đã tạo được hình ảnh cho sản phẩm, dù cầm hàng hóa lên tay, người ta thấy ngay là không tốt. Đương nhiên không nên để lại ấn tượng đó, nhưng họ đã có. Còn Việt Nam chưa có sản phẩm mang hình ảnh đất nước”.

Không để mất lợi nhuận 

Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu ngày càng nhiều, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nông sản, hàng may mặc, giày dép. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ quan tâm đến giá xuất khẩu đơn thuần mà chưa thể quan tâm đến lợi nhuận. “Trên thực tế lợi nhuận của hàng hóa Việt Nam thuộc về công ty khác. Nhà sản xuất và các công ty châu Âu kiếm được lợi nhuận từ mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng cà phê, hạt điều…” - ông Stephen nói.

Theo các chuyên gia, nếu kéo dài tình trạng này, Việt Nam sẽ không có nguồn để tái đầu tư vào xây dựng hình ảnh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mất dần, họ chuyển sang các nền kinh tế khác có yếu tố cạnh tranh tốt hơn... Và quan trọng hơn, vị trí trung gian của hàng hóa rất dễ bị lãng quên. Vì vậy, cần thay đổi động lực phát triển kinh tế, xây dựng hình ảnh mang đậm tính Việt Nam; ưu tiên tăng doanh thu thay vì giảm chi phí. 

Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người nước ngoài và mang thương hiệu Việt Nam. Thương hiệu ở đây không chỉ là logo hay tên gọi, mà khi nhắc đến hàng hóa sẽ có tác động nhất định đến suy nghĩ của người mua. Để làm được điều này, trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc xây dựng chuỗi cung ứng, điều tra thị trường… Các doanh nghiệp cũng phải liên kết nhau và lựa chọn một vài doanh nghiệp “đầu tàu”.

Theo các chuyên gia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan… đã có thành công nhất định khi sản xuất ra hàng chất lượng khá cao. Và để có được thành công này, Hàn Quốc mất 70 năm, Thái Lan mất 100 năm. “Nhưng có hợp tác và bước đi đúng đắn, sẽ đạt được mục tiêu” - ông Stephen nhấn mạnh.