Thuốc nhỏ mắt giúp nhìn xuyên đêm

ANTĐ - Các nhà khoa học Mỹ cho biết, khả năng về việc nhìn rõ những vật thể trong đêm sẽ trở thành hiện thực khi nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập Science for the Masses (Mỹ) đã chế tạo và cho thử nghiệm thành công một hợp chất có thể giúp con người nhìn xuyên bóng đêm trong phạm vi khoảng 50m.

Thuốc nhỏ mắt giúp nhìn xuyên đêm ảnh 1Sau khi được tiêm Ce6, nhà khoa học Licina nhận diện đúng các mục tiêu với tỷ lệ gần như tuyệt đối trong đêm tối

Chiết xuất từ táo xanh

Theo thông tin của các nhà khoa học thuộc “Nhóm tin tặc sinh học” - biohacker - công nghệ điều chỉnh chức năng sinh học của cơ thể cho biết, hợp chất có thể giúp con người nhìn xuyên bóng đêm, tăng cường thị lực, thậm chí có đôi mắt sáng hơn loài mèo có tên gọi là Chlorin e6 (Ce6). Hợp chất này được các nhà khoa học tìm thấy trong táo xanh và một số loại cây khác hoặc có trong cơ thể một số loài hải sản sống ở đáy biển sâu. Đây là một chất diệp lục đã được các nhà khoa học chiết xuất và dùng để điều trị ung thư hay chứng quáng gà. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học có sự tham gia của nhà sinh hóa Gabriel Licina đã tìm ra thêm công dụng đặc biệt của Ce6. 

Việc tìm ra hợp chất giúp con người có khả năng nhìn xuyên đêm ở khoảng cách 50m cũng có thể giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc tìm kiếm các nạn nhân trong màn đêm hoặc môi trường thiếu ánh sáng.

Trong thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học cũng hết sức lưu ý rằng, dung dịch này cần được xử lý một cách cẩn trọng, kể cả những nhà nghiên cứu, tình nguyện viên hay trong phòng thí nghiệm, bởi nếu có sơ suất nó có thể gây nhiễm trùng mắt dẫn tới nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm trên chuột trong phòng thí nghiệm và cho kết quả chuột có thể nhìn xuyên bóng đêm trong một hay thậm chí vài giờ, nhà khoa học Gabriel Licina đã tình nguyện cho các đồng nghiệp thử nghiệm lâm sàng ngay trên chính đôi mắt của mình. 

Chỉ có tác dụng tạm thời

Sau khi được tiêm một lượng Ce6 khoảng 50 microliter vào túi kết mạc mắt của Licina và chờ khoảng 2 giờ đồng hồ để cho “thuốc” ngấm vào võng mạc, Licina được đưa tới một khu vực tối không có ánh sáng cùng với 4  tình nguyện viên không nhỏ dung dịch Ce6. Các nhà khoa học đã đưa ra 3 hình thức thử nghiệm, xác định vật thể ở một khoảng cách xa nhất định và nhận biết màu chủ đạo của các vật thể; nhận diện mục tiêu đang di chuyển ở các khoảng cách khác nhau và thay đổi bối cảnh trong mọi điều kiện.

Kết quả cho thấy, Licina luôn nhận diện đúng các mục tiêu với tỷ lệ gần như tuyệt đối 100%, trong khi đó tỷ lệ ở nhóm đối chứng là khoảng 33%. Cụ thể, Licina cho biết anh có thể nhìn thấy vật thể rõ nhất khi ở khoảng cách 10m và thậm chí anh có thể đi lại thoải mái ở trong rừng vào ban đêm và nhìn thấy người khác ở khoảng cách chừng 50m. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, Ce6 chỉ có tác dụng tạm thời trong khoảng vài giờ, sau đó nó tự hòa tan và đôi mắt của Licina trở lại như bình thường. 

Các nhà khoa học cho biết, cơ chế tác dụng của Ce6 đối với võng mạc con người cũng như cấu tạo của một lớp tế bào phản chiếu nằm sau võng mạc của loài mèo có tên là Tapetum, có chức năng gần như “cộng hưởng” ánh sáng và sẽ phát màu xanh khi ta chiếu ánh sáng yếu trực tiếp vào mắt mèo. Do vậy khi tiêm Ce6 vào mắt, hoạt chất này sẽ gây ra những hiệu ứng tương tự giúp chúng ta có khả năng thu nhận ánh sáng tốt hơn. 

Trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ đưa ứng dụng trên vào đời sống thực tiễn và sử dụng rộng rãi, không chỉ giúp những người làm việc trong đêm tối, hầm sâu, các hoạt động cứu hộ… mà còn tạo ra một hướng phát triển cho nhiều ngành khoa học nghiên cứu khác.