Thuốc lá ngoại nhập lậu vào danh mục hàng cấm
(ANTĐ) -Đó là ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Nguyễn Thái Sinh góp ý tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực rượu và thuốc lá, do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng nay 23/5, tại Hà Nội.
Đối với các trường hợp kinh doanh, buôn bán hàng cấm với số lượng lớn từ 1.500 bao thuốc lá lậu đến dưới 4.500 bao thì phải coi là phạm tội trong trường hợp "hàng phạm pháp có số lượng lớn" (theo khoản 1 điều 155 Bộ luật hình sự) và mức độ xử phạt sẽ tăng lên theo số lượng hàng kinh doanh.
Tại hội thảo, các ý kiến đóng góp đều tập trung vào việc cần phải tăng mức xử phạt cao gấp nhiều lần so với dự kiến để đủ độ răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Hiện nay thuế suất nhập khẩu rượu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá đều tăng đang là một trong những yếu tố làm gia tăng nạn buôn lậu đối với 2 mặt hàng này.
Để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho những người tham gia chống buôn lậu thuốc lá, Cục Quản lý thị trường đề nghị thống nhất một giá hỗ trợ 1.000 đồng/bao thuốc lá cho toàn bộ các loại thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy; ứng trước 90% số tiền đơn vị được hưởng từ nguồn hỗ trợ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam sau khi nhận được biên bản bắt giữ, xử lý vi phạm, 10% còn lại sẽ được cân đối và thanh toán sau kết quả tiêu hủy.
Cục đề nghị Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam cùng đề xuất cơ chế thí điểm hỗ trợ kinh phí cho lực lượng chống buôn lậu, hàng giả đối với mặt hàng rượu và kiến nghị loại bỏ mặt hàng thuốc lá, rượu theo Quyết định 245/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ cho phép cư dân biên giới thu bán, trao đổi hàng hóa dưới 2 triệu đồng/người/ngày nhằm tránh tư thương lợi dụng thu gom để buôn lậu.
Vụ Thị trường trong nước cũng đề nghị bổ sung một số hành vi vi phạm của thương nhân để quy định mức phạt cụ thể như không niêm yết bản sao hợp lệ Giấy phép kinh doanh rượu, thuốc lá và chủng loại, giá cả các loại rượu, thuốc lá đang có bán tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân; bán lẻ rượu thuốc lá bằng máy bán hàng tự động, bán qua mạng Internet, qua điện thoại; tài trợ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động chăm sóc sức khỏe và các hoạt động xã hội khác có gắn với việc quảng cáo các sản phẩm rượu, thuốc lá...; Dùng rượu thuốc lá làm giải thưởng cho các cuộc thi; Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu thuốc lá không báo cáo với các cơ quan thẩm quyền...
Hiệp Hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam và Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội cho rằng cần phải thực hiện tốt việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu. Theo số liệu thống kê thì sản lượng tiêu thụ ở nước ta ước tính trên 300 triệu lít/năm, trong đó rượu các doanh nghiệp sản xuất chỉ chiếm từ 70 đến 80 triệu lít/năm, còn lại chủ yếu là rượu do dân tự nấu. Như vậy, rượu dân tự nấu gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp và rượu bán lẻ rất khó kiểm soát. Cho nên, có giấy phép sản xuất rượu và kinh doanh rượu thì việc xử phạt vi phamh hành chính mới mang lại hiệu quả.
Bích Liên