Thuốc đắng trị bệnh "ông lớn" thao túng ngân hàng

ANTĐ - Hơn 3 năm qua, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là một trong những nhiệm vụ chiến lược được ngân hàng nhà nước triển khai quyết liệt. Với những hậu quả của giai đoạn phát triển “nóng” để lại, quá trình tái cơ cấu thực sự là một cuộc vật lộn đầy khó khăn. Nhìn lại quá trình đó có thể thấy, nhiều vấn đề tồn tại đã được giải quyết như xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng nợ xấu, sở hữu chéo...

Thuốc đắng trị bệnh "ông lớn" thao túng ngân hàng ảnh 1Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank) đã được Ngân hàng Nhà nước 
mua lại với giá 0 đồng

Giải phương trình nhiều ẩn số

Khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế xảy ra năm 2008, những thách thức mới từ xu thế toàn cầu hóa cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế và bản thân hệ thống ngân hàng đã bộc lộ. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cơ cấu lại hệ thống ngân hàng một cách toàn diện, vừa đáp ứng những yêu cầu cấp bách trước mắt, vừa nhằm đảm bảo cho hệ thống ngân hàng phát triển một cách an toàn, hiệu quả, bền vững.

Giai đoạn 2008-2010, hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam phát triển “bùng nổ”, tăng trưởng mạnh về quy mô và số lượng các ngân hàng thương mại. Trong 2 năm 2009 và 2010, lãi suất cơ bản liên tục giảm, các ngân hàng chú trọng hoạt động huy động tín dụng thay vì huy động tiết kiệm. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã ra đời trong bối cảnh đó. 

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng diễn ra khi nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu bất ổn, nguy cơ lạm phát phi mã. Trong bối cảnh như vậy, hệ thống tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ đổ vỡ do một bộ phận bị mất thanh khoản và yếu kém trong quản lý. Năm 2012, tín dụng giảm, tác dụng của các biện pháp kiềm chế lạm phát làm cho tổng cầu giảm, tăng trưởng kinh tế bắt đầu giảm tốc độ rất nhanh. Hàng loạt tác động dây chuyền diễn ra sau đó, như sức mua thị trường giảm, doanh nghiệp giảm sản xuất, không còn khả năng trả nợ đáo hạn. Giữa năm 2012, tình trạng nợ xấu xuất hiện rất nhanh và mạnh.

TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: “Ngành ngân hàng phải giải một phương trình với nhiều ẩn số. Việc tái cấu trúc tổ chức tín dụng phải làm ngay trong tình thế ẩn chứa nhiều mâu thuẫn như vừa phải chống lạm phát, vừa phải hạ lãi suất; vừa phải tăng tín dụng, vừa phải giảm nợ xấu, vừa phải ổn định tỷ giá...”. 

“Lối đánh du kích” đã thành công

Bằng việc đặt ra một lộ trình phù hợp, với những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, quá trình tái cơ cấu đã giải quyết được những vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời đặt ra tiền đề cho sự phát triển an toàn, bền vững về lâu dài. Trước khi tiến hành tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng vào khoảng 17% (tháng 9-2012). Con số này được đánh giá là rất cao, không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng mà còn tác động và ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn hệ thống tuần hoàn. Đáng chú ý, cả “động mạch” và “tĩnh mạch” của “hệ tuần hoàn” ngân hàng đều bị nghẽn. Trong điều kiện như vậy, vấn đề tái cấu trúc ngân hàng là bài toán phải thực hiện đồng thời với nhiệm vụ xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn bị tắc nghẽn. 

TS Trần Du Lịch chia sẻ: “Trong điều kiện ấy, Chính phủ, Quốc hội chưa có chủ trương sử dụng ngân sách hay dòng tiền từ các nguồn mang tính chất ngân sách để hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng mà các tổ chức tín dụng phải tự giải quyết. Có nghĩa, tôi không cho anh tiền xe nhưng anh vẫn phải đi đến nơi, giống như không có tiền nhưng phải đi bằng máy bay để kịp thời gian”. 

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra sáng kiến xử lý nợ xấu theo kiểu “tay không bắt giặc” khi thành lập Công ty mua bán nợ VAMC nhằm giải quyết nợ xấu bằng cơ chế chứ không phải giải quyết bằng nguồn lực vật chất là “tiền tươi, thóc thật”. Cùng với đó, mô hình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được triển khai, trong đó mối quan hệ giữa 4 nhà là Ngân hàng Nhà nước – tổ chức tín dụng - chính quyền địa phương - doanh nghiệp được hình thành.

Các đầu mối liên kết này đã ngồi lại với nhau để giải quyết từng trường hợp, xử lý cấp tín dụng cho những doanh nghiệp mà theo tiêu chuẩn nợ xấu không thể tiếp tục vay mới. Có thể nói, đây là cách làm riêng của Việt Nam, “không đánh chính quy được thì phải đánh du kích” và Ngân hàng Nhà nước phải chịu đi “đánh du kích”. Một phần lớn nợ xấu đã được loại bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này bán nợ xấu cho VAMC. Các doanh nghiệp vướng vào nợ xấu không thể vay được tiếp đã được xử lý để có thể tiếp tục có dòng tín dụng mới. 

“Chúng ta đã tạm “gói” được cái cũ, để tạo ra cái mới. Nếu kinh tế phát triển tốt thì chính cái mới này tạo điều kiện giải quyết những tồn tại của cái cũ. Đây là cách xử lý sáng tạo, đúng đắn. Tín dụng tăng giúp chúng ta có hy vọng quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trở lại bình thường vào năm 2016 chứ không tiếp tục đi “đánh du kích” mãi”, TS Trần Du Lịch phân tích. 

Dẹp tình trạng cổ đông lớn thao túng 

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chánh Thanh tra Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Một trong những biện pháp cơ bản của tái cơ cấu là sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Hoạt động này diễn ra mạnh mẽ khi 9 tổ chức tín dụng được sáp nhập, hợp nhất vào các tổ chức tín dụng khác, 4 tổ chức tín dụng được mua lại. Diễn biến này khẳng định việc khuyến khích, sáp nhập, hợp nhất trên cơ sở tự nguyện là chủ trương đúng đắn để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, giảm số lượng, đặc biệt là tổ chức tín dụng nhỏ, yếu kém”.

Tất cả các tổ chức tín dụng đều phải xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại phù hợp với đề án của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được và xử lý kiên quyết các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Trường hợp các ngân hàng thương mại yếu kém không có khả năng thực hiện phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc không có phương án cơ cấu lại khả thi sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc. 

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý một bước quan trọng trong giai đoạn 2011-2015. Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại hoặc cử người tham gia quản trị, điều hành ngân hàng. Ví dụ như các trường hợp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt, Phương Tây, Sài Gòn, Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Phương Nam, Sacombank, Eximbank, Đông Á… 

Số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp năm 2012 xuống chỉ còn 3 cặp. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành các thông tư tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý vấn đề sở hữu chéo, sở hữu vượt giới hạn quy định. Với các tổ chức tín dụng còn vi phạm về sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn, Ngân hàng Nhà nước đều đã có phương án xử lý và chậm nhất tới tháng 2-2016 sẽ phải thực hiện xong. 

Với các giải pháp trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá: “Sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần đã minh bạch và đại chúng hơn. Tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được xử lý và kiểm soát về cơ bản, các nhóm lợi ích giảm dần”.