Thuế phí cao, Việt Nam chỉ có 7 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn nhiều nước trong khu vực

ANTD.VN - Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục xác lập kỷ lục mới cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện đáng kể của Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ "cải thiện" thôi chưa đủ, Việt Nam cần có những cải cách đột phá.

Cần cải cách đột phá để giúp doanh nghiệp Việt Nam "sống khỏe"

TS Trần Thị Hồng Minh- Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) cho hay, thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong các năm 2016-2017, doanh nghiệp thành lập mới đã liên tiếp đạt kỷ lục về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký.

Cụ thể, năm 2016, cả nước có hơn 110.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng. Năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 127.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là gần 1,3 triệu tỷ đồng.

Số liệu cập nhật của Bộ KH-ĐT tính đến ngày 31-5-2018 cho thấy, cả nước có 52.322 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi đó số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể không có nhiều biến động.

Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong các năm 2016-2017 lần lượt là 47,4% và 53,5%.

“3 năm qua, bức tranh doanh nghiệp Việt Nam có nhiều điểm sáng. So sánh với dữ liệu của một số quốc gia khác trên thế giới cho thấy tỷ lệ trên của Việt Nam vẫn nằm trong giới hạn thông thường”- bà Trần Thị Hồng Minh nói.

Ví dụ, ở Hồng Kông, năm 2016 có 144.883 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, 92.843 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm tỷ lệ 68,9%. Ở New Zealand, tỷ lệ này là 96,1%.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết: “Tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thế giới. Có quốc gia trong khu vực có 2 triệu dân nhưng có đến 260.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ này là 7 doanh nghiệp/ 1.000 dân, rất khiêm tốn”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI), doanh nghiệp Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu là vì còn nhiều rào cản theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Mọi chính sách của Chính phủ trong năm qua đều nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp. “Năm 2017 còn được chọn là năm giảm phí cho doanh nghiệp. Song quan sát 1 năm qua cho thấy, các chính sách đề xuất mới phần lớn là tăng thu. Bộ Tài chính có ra mấy chục thông tư liên quan đến giảm thu từ doanh nghiệp, nhưng con số này rất nhỏ”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Để minh chứng điều này, Trưởng ban Pháp chế VCCI dẫn chứng: Dự thảo Luật sửa đổi 6 Luật gần đây chủ yếu là tăng thu khi: tăng thu thuế VAT, tăng thuế nước ngọt, tăng trần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Thậm chí, trong thẩm quyền của mình, một số địa phương cũng đặt ra các loại phí mới cao hơn trước đây. Chẳng hạn, Hải Phòng tăng phí cảng biển Hải Phòng từ đầu năm 2017, một số địa phương tăng tiền sử dụng đất.

“Chưa kể, năm 2017 tăng lương tối thiểu, đóng góp bảo hiểm xã hội cũng tăng theo. BOT, chi phí logistic cao, gây bất lợi cho nền kinh tế xuất nhập khẩu như Việt Nam...”- ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.

Vì những lý do trên, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu đặt được 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là một thách thức không nhỏ và rất có thể không hoàn thành được.

Thẳng thắn chia sẻ lo ngại về mục tiêu cải cách, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam mới dừng lại ở mức cải thiện đáng kể. Nhưng nếu cứ ở mức cải thiện thì rất nhiều mục tiêu sẽ không đạt được.

“Chúng ta đang thiếu cải cách đột phá. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong khi chỉ có 5% thành công được quyết định bởi chương trình, nội dung cải cách, quyết tâm cải cách, thì 95% còn lại được quyết định bởi cách tổ chức thực hiện. Chúng ta đã có chương trình cải cách với những nội dung, giải pháp cụ thể, nhưng thiếu mất 95% còn lại”- ông Phan Đức Hiếu nói.