Thực phẩm Tết dồi dào nguồn cung

ANTĐ - Thời tiết thuận lợi cho sản xuất, chăn nuôi, nên dự kiến tình hình cung ứng thực phẩm, rau xanh trong dịp Tết Nguyên đán 2016 được dự báo khá dồi dào. Ngoài ra, lượng thực phẩm nhập khẩu cũng góp phần làm đa dạng thị trường. 
Thực phẩm Tết dồi dào nguồn cung ảnh 1

Nhu cầu thực phẩm sạch đang tăng cao

Rau thịt phong phú, chú trọng ATTP

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay, chăn nuôi đang có những điều kiện thuận lợi do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, trong khi đó thị trường đầu ra ổn định. Người chăn nuôi có lãi nên đang tích cực mở rộng, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2016.

Theo thống kê, đàn trâu cả nước hiện có 2,56 triệu con, tăng 0,6% so với cùng kỳ; đàn bò đạt 5,38 triệu con, tăng 2%; đàn lợn có khoảng 28,2 triệu con, tăng 3,7%; đàn gia cầm khoảng 342,2 triệu con, tăng 4,3% (trong đó, đàn gà có 259,2 triệu con, tăng 5,4%). Theo nhận định, với lượng  gia súc, gia cầm dồi dào như hiện tại thì việc cung ứng thực phẩm cho thị trường Tết Nguyên đán 2016 không đáng lo ngại. Đó là còn chưa kể, những tháng giáp Tết, các doanh nghiệp cũng tăng mạnh việc nhập khẩu thịt bò, thịt gà, hoa quả. 

Về sản lượng rau, củ quả, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đã chỉ đạo tới các Sở NN&PTNT đa đạng hóa giống cây trồng trong vụ đông, bố trí hợp lý cơ cấu giống rau… “Hiện tại, cả nước có hơn 1,1 triệu ha rau, dự tính đạt xấp xỉ 3 triệu tấn rau phục vụ vụ đông, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Nếu như thời tiết không có biến đổi dị thường thì lượng rau này sẽ đảm bảo phục vụ trong dịp Tết” - ông Cường khẳng định.

Liên quan đến vấn đề ATTP, trong đó có việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với TP.HCM và Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố lân cận trong vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng rau quả. Trong đó, kết quả làm việc cho thấy, TP.HCM có sự phối hợp khá tốt với các tỉnh, thành phố lân cận cung cấp rau theo chuỗi.

Các đơn vị ký hợp đồng chịu trách nhiệm cung ứng rau quả an toàn cho các siêu thị cũng như các chợ đầu mối tại TP.HCM. Hà Nội cũng đã ký kết với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc cung ứng thực phẩm vào thị trường Thủ đô, trong đó thực phẩm cung cấp theo chuỗi được tạo điều kiện và khuyến khích.

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã thực hiện nhiều biện pháp  như tăng cường liên kết chuỗi, mở cửa hàng bán sản phẩm an toàn, giới thiệu địa chỉ bán hàng đảm bảo ATTP cho người dân… Đặc biệt, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các Sở NN&PTNT thí điểm xác nhận sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn để người tiêu dùng được biết và lựa chọn. 

Nhà phân phối lớn cũng vào cuộc

Trong khi sản xuất thực phẩm để chuẩn bị Tết đang được cấp tập triển khai thì một số doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên địa bàn Hà Nội cũng đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Bà Trần Thị Huyền - đại diện siêu thị Co.op mart cho biết, siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết nhưng cụ thể như thế nào còn chờ sự phê duyệt nên chưa thể công bố.  Tuy nhiên, về số lượng, chủng loại hàng được chuẩn bị căn cứ vào kế hoạch Sở Công Thương giao và kế hoạch riêng của doanh nghiệp. Trong khi đó, đại diện siêu thị BigC cho biết, đơn vị đang chuẩn bị kho bãi, lên kế hoạch để đặt hàng, nâng cấp hệ thống phục vụ dịp Tết. Tuy nhiên, số lượng hàng cụ thể vẫn đang cân đối.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, nguồn cung hàng Tết Bính Thân 2016 dồi dào, đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và tăng khoảng 15% so với Tết năm ngoái. Về giá, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra giá, ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý. “Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ đầu vào đến đầu ra, đảm bảo ATVSTP. Người tiêu dùng nên đến các điểm mua hàng uy tín, có nguồn gốc rõ ràng như: siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch để mua sắm dịp Tết”, bà Trần Thị Phương Lan nói.