Thực hư việc chỉ được vay ngân hàng tối đa 6 tỷ đồng

ANTĐ - Ngày 16-7-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản về việc đề nghị các tổ chức liên quan và dư luận góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn và Bản giải trình Dự thảo Thông tư trên. NHNN cho biết, theo lộ trình triển khai Basel II đã được Thống đốc phê duyệt, đến cuối năm 2015 có ít nhất 10 ngân hàng được lựa chọn thực hiện Basel II theo Phương pháp tiêu chuẩn. Do đó, NHNN cần phải ban hành văn bản hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn theo Phương pháp tiêu chuẩn của Basel II để làm khuôn khổ pháp lý cho các ngân hàng thực hiện và NHNN (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) thanh tra, giám sát việc thực hiện của các ngân hàng. NHNN Việt Nam cũng giải thích rõ về đối tượng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.
Thực hư việc chỉ được vay ngân hàng tối đa 6 tỷ đồng ảnh 1

Theo đó, Thông tư định dạng rõ hơn đối tượng điều chỉnh dựa trên lộ trình triển khai Basel II đã được Thống đốc phê duyệt tại Tờ trình số 24/TTr-TTGSNH5 ngày 08-01-2014 của cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng về việc triển khai Chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II. Cụ thể, đối tượng chỉ bao gồm ngân hàng thương mại (NTHM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg), không điều chỉnh đối với Ngân hàng hợp tác xã, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển, các TCTD phi ngân hàng, quỹ TDND cơ sở, tổ chức tài chính vi mô.

Về Phạm vi điều chỉnh, thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NHNNg. Các tỷ lệ an toàn khác (Tỷ lệ khả năng chi trả; Giới hạn cấp tín dụng; Giới hạn góp vốn, mua cổ phần; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi) được thực hiện theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014.

Dự thảo Thông tư được kết cầu gồm 4 chương với 24 điều và 05 Phụ lục, trong đó đáng chú ý là quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Điều 6). Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tính theo đơn vị phần trăm (%) được xác định bằng công thức quy định. Đây là thông tư cần thiết cho sự phát triển lành mạnh hệ thống NHTM. Tuy nhiên, ngay sau khi công bố toàn văn dự thảo, dư luận đã xôn xao về các chỉ tiêu liên quan đến việc tiếp cận vốn ngân hàng của các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ. 

Cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ chỉ được vay tối đa 6 tỷ VNĐ? 

Cụ thể, dự thảo thông tư này bổ sung các thuật ngữ phục vụ cho việc tính hệ số rủi ro của tài sản có, trong đó có thuật ngữ “cấp tín dụng bán lẻ”. Tại điều 10 Dự thảo thông tư quy định: Cấp tín dụng bán lẻ được xác định là khoản cấp tín dụng có khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy định dự kiến là tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 0,2% tổng dư nợ cấp tín dụng bán lẻ; tổng dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 6 tỷ đồng.

Đối với cấp tín dụng bán lẻ, dự thảo trên cũng đưa ra hệ số rủi ro tín dụng là 75%, để tính cho tỷ lệ an toàn vốn. Như vậy, bản chất của giới hạn là con số 6 tỷ này và dư luận cũng thắc mắc bởi sự vô lý của điều khoản này. Thắc mắc đầu tiên là nhu cầu vay vốn ngân hàng, về khối lượng tiền, cho những mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp, dù là nhỏ cũng không thể bị giới hạn bởi quy định về bán lẻ mà chỉ bị giới hạn bởi khả năng trả nợ. Không biết NHNN phân loại theo tiêu chí nào để xếp loại doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Vả lại có quy định pháp luật nào hạn chế doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện các thương vụ lớn có số vốn lớn hơn 6 tỷ?

Thắc mắc thứ hai là khả năng thực hiện hạn chế này. Các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ có thừa các phương pháp để vay số tiền lớn hơn 6 tỷ như nhờ người thân, người quen, doanh nghiệp khác đứng tên vay với những khoản thế chấp khác nhau. Việc hạn chế này đã bóp méo tính thị trường của công cụ chủ yếu trên thị trường vốn, thêm điều kiện xin - cho vốn đã kéo theo nhiều tiêu cực trong lĩnh vực cho vay. 

Việc cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiêp siêu nhỏ vay hạn chế cũng có tác dụng chống đổ vốn vào những lĩnh vực không khuyến khích như đầu cơ vào bất động sản hay chứng khoán dễ mất vốn, tuy nhiên để đảm bảo an toàn vốn cần thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp hạn chế rủi ro theo đúng Luật Ngân hàng như hạn chế cho vay tín chấp, thực hiện nghiêm quy định về tài sản đảm bảo cùng giám sát vốn qua giải ngân. Hạn chế cho vay là vô lý. 

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tính đến 30-6-2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,83%. Sức bật tín dụng trong thời gian qua được lãnh đạo NHTM tiết lộ, nhờ lực đẩy tín dụng từ cuối năm ngoái, cùng với tín hiệu khả quan từ nền kinh tế trong những tháng đầu năm đã thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh hơn.

Dẫu vậy, các chuyên gia băn khoăn sau một thời gian tăng trưởng khó khăn, giờ tín dụng tăng nhanh như vậy có thể khiến các ngân hàng lơ là chất lượng tín dụng. Sự lo lắng này không phải không có cơ sở khi tín dụng đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng nóng, hạ chuẩn tín dụng đã khiến nợ xấu tăng mà hiện hệ thống ngân hàng đang phải vất vả xử lý. Nhưng có lẽ những bài học xương máu trước đây cũng khiến các ngân hàng phải cẩn thận hơn khi cho vay và quản lý rủi ro tích cực hơn.

Thực hư việc chỉ được vay ngân hàng tối đa 6 tỷ đồng ảnh 2

Ngân hàng nhà nước nói không phải thế!

 Trước thông tin quy định cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ chỉ được vay ngân hàng không quá 6 tỷ đồng tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh NHNNg vừa được NHNN đưa ra lấy ý kiến, Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, các cá nhân vẫn có thể vay các NH tới hàng trăm tỷ đồng nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Trong cuộc họp báo mới nhất, ngày 21-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, quy định như vậy áp dụng cho các khách hàng tài chính vi mô như các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ. Còn các cá nhân bình thường vẫn có thể vay tới hàng trăm tỷ đồng nếu đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, tại Khoản 10 điều 2 Dự thảo thông tư đã nói rõ và không có sự khác biệt nào giống như ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói. Phải chăng việc soạn thảo dự thảo vẫn chưa tính đến những nhu cầu của khối doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân, hộ gia đình? Hay sự quan tâm đến nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu an sinh xã hội chưa được chú trọng. 

Tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với xã hội, đặc biệt đối với người nghèo nó giống như vòi bạch tuộc hút máu, chống lại mọi cố gắng giảm nghèo của Chính phủ. Chỉ có thể loại trừ tệ nạn bằng cách mở rộng hoạt động bán lẻ của các NHTM. Nhưng với những quy định ngặt nghèo, rất có thể, dự thảo này sẽ ngăn cản hoạt động bán lẻ của các NHTM và là một bước lùi trước tệ nạn cho vay nặng lãi. Có lẽ cần phải có sự xem xét nghiêm chỉnh về mặt chính sách với hoạt động bán lẻ, cung ứng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của các cá nhân và hộ gia đình.