Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam

ANTD.VN - Tốc độ kết nối thực tế của mạng 5G từ 1,5 – 1,7 Gbps, vượt xa giới hạn của mạng 4G.

Các đại biểu thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam

Sáng nay (10-5), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam.

Tại sự kiện, tốc độ kết nối mạng di động 5G của Viettel với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 – 1,7 Gbps – vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.

Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới.

Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, và là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.

Do đồng hành cùng thế giới về triển khai 5G nên đội ngũ chuyên gia và kỹ sư của Viettel không tận dụng được các kinh nghiệm quốc tế để ứng phó với các tình huống triển khai. Những vấn đề phát sinh trong quá trình lắp đặt, tích hợp và tối ưu mạng 5G mới mẻ với các kỹ sư Viettel đồng thời cũng mới mẻ với các chuyên gia quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ở giai đoạn đầu triển khai, 5G sẽ được ứng dụng trong các nhà máy thông minh, các khu công nghệ cao. 

Đến năm 2020, 5G phải phủ sóng toàn bộ các khu công nghệ cao, các trung tâm đổi mới sáng tạo, các nhà máy thông minh... 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, công nghệ thông tin- truyền thông luôn phải đi trước 1 bước, được ưu tiên đầu tư. 

Theo kế hoạch, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của quá trình thử nghiệm này chính là nguồn thông tin đầu vào giúp Bộ TT-TT đánh giá toàn diện công nghệ 5G dựa trên các tiêu chí: vùng phủ sóng, công suất, tốc độ tối đa và khả năng tương thích giữa thiết bị 5G với cơ sở hạ tầng hiện tại.

Từ đó, Bộ có cơ sở để hoạch định chính sách, quy hoạch tần số, lập lộ trình triển khai tiến tới thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020 theo đúng kế hoạch.

Trao đổi với báo chí sau sự kiện, ông Tào Đức Thắng- Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay: "Hiện tại, đúng là thiết bị đầu cuối chưa theo kịp sự phát triển của 5G. 

Tuy nhiên, chúng tôi tin 5G sẽ thành công. Viettel đang làm song hành 2 việc là vừa tự sản xuất, vừa hợp tác với đối tác khác vì chúng cũng phải học hỏi và có lộ trình. Trước mắt sản xuất thiết bị nhỏ, dần là thiết bị lớn".

Cũng theo ông Tào Đức Thắng, từ 3G lên 4G khác. Trong khi đó, 5G không phải "tiến hóa" lên từ 4G mà có những thay đổi thực sự, nên ngành viễn thông và các ngành công nghiệp khác cũng như Viettel phải bám định hướng của Bộ TT-TT để thực hiện.

Về phạm vi phủ sóng 5G, doanh nghiệp dự định 5G sẽ phủ sóng tại những nơi lưu lượng cao, có thể là thành thị, khu công nghiệp, ký túc xá, trường đại học hoặc khu du lịch... hoặc những nơi cần 5G để thay thế cho mạng cáp quang.