Thủ tướng: "Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài"

ANTD.VN - Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị "30 năm đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà đầu tư nước ngoài

Đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn FDI là một chủ trương đúng đắn, đã góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước".

Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu 1986, thì đến tháng 12-1987 Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Đây là một trong số những bộ luật tiến bộ được ban hành ngay sau đổi mới, từ đó, thu hút FDI luôn “song hành” với sự nghiệp đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước.

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong 30 năm thu hút FDI, song người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này. 

"Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước ta nhìn chung là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta.

Khu vực FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn FDIlà những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác FDI"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài, Thủ tướng nói: "Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút FDI, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác FDI” với nội hàm mở rộng hơn".

Để khai thác được hết những lợi thế do FDI mang lại trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: Giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác FDI có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ;

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....

Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chuyển từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, cần chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia; 

Các bộ, ngành, địa phương phải chọn lọc dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, thay vì FDI mang gì vào ta tận cái ấy, mà trong đó chủ yếu là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến trong khu vực;

Các bộ, ngành cũng cần hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp FDI thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Trước hơn 2.600 đại biểu trong và ngoài nước tham dự hội nghị, Thủ tướng cam kết Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác FDI và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia.

"Chính phủ luôn lắng nghe và đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.