Thủ tướng: Ngành thuế nên phát động phong trào nói không với phong bao, phong bì

ANTD.VN - “Khiếu nại doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính về ngành thuế mặc dù số lượng ít hơn những vẫn còn nhiều” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 tại Tổng cục Thuế.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2018 do Tổng cục Thuế tổ chức chiều nay 31-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực của ngành thuế trong năm 2017  như lần đầu tiên trong lịch sử, thu thuế vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, vượt 5% dự toán.

“Năm 2017, tăng trưởng GDP rất cao, 6,81%. Nếu thu ngân sách không đạt thì có tăng trưởng cao cũng đâu giải quyết được gốc rễ vấn đề. Một số nước trong khu vực dù quy mô GDP tăng liên tục nhưng do thất thu ngân sách nên vẫn phải đi vay rất nhiều” – Thủ tướng nói.

Cũng trong năm 2017, thu ngân sách địa phương vượt 12,9% dự toán, tương đương 60.000 tỷ đồng, hầu hết các địa phương đều đã thu vượt mốc 1.000 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng ngành thuế vẫn còn nhiều phản ánh tiêu cực

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều bất cập mà ngành thuế cần khắc phục để hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, công tác hoàn thiện thể chế tuy có tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, gây khó khăn cho người nộp thuế và doanh nghiệp. Đặc biệt là thời gian vừa qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều dẫn đến nhiều hệ luỵ cho người dân, doanh nghiệp.

Chính sách thuế vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan nhà nước. Chưa hướng tới bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận, phải sửa đổi pháp luật thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực vẫn xảy ra. “Khiếu nại doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Bộ Tài chính về ngành thuế mặc dù số lượng ít hơn những vẫn còn nhiều”, Thủ tướng nói. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị ngành thuế nên phát động phong trào: Ngành thuế nói không với phong bao, phong bì. “Ta có đi đầu với việc cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực được không?” Thủ tướng đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó là tình trốn thuế, chuyển giá, chây ì nộp thuế… diễn ra rất phức tạp, thất thu còn lớn, giảm tính công bằng. Ngoài ra, định hướng cơ chế về thu ngân sách Nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế.

Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử… mà chính sách thuế chưa theo kịp. Thuế khoán, môi giới, đại lí mua bán đất động sản còn thất thu.

 “Chúng ta thấy thành phố lớn như đại công trường, mỗi năm nhập mấy triệu ô tô nhưng chưa tính hết, nhất là dịch vụ, còn bỏ sót rất lớn. Việc kiểm soát hóa đơn còn nhiều kẽ hở khiến số lượng doanh nghiệp trốn thuế, tăng chi phí đầu vào và chuyển giá còn lớn. Ở nước ngoài mua tăm hay xi đánh giày cũng phải hóa đơn. Trong khi đó ở Việt Nam, người mua không cần mà người bán cũng vậy. Cần có chế tài cho vấn đề này” - Thủ tướng yêu cầu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2018, dự toán thu ngân sách của ngành thuế là 1.070.200 tỷ đồng.

Để đạt nhiệm vụ này, Tổng cục Thuế cho biết sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2018 trên cơ sở phân tích rủi ro và giao kế hoạch cho các Cục Thuế đảm bảo tỷ lệ thanh tra, kiểm tra tối thiểu đạt 18,5% số doanh nghiệp đang quản lý trong toàn ngành.

Đảm bảo 100% các cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy trình, cập nhật kịp thời tiến độ thực hiện công tác thanh tra kiểm tra vào ứng dụng TTR.

Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế: Toàn ngành tập trung các giải pháp đôn đốc nợ thuế đảm bảo số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2018 không vượt quá 5% so với số thực hiện thu trong năm 2018; Xử lý dứt điểm các khoản nợ đang chờ điều chỉnh và nợ chờ xử lý tại thời điểm 31/12/2017.