Thủ tướng chỉ đạo không để kiểm tra chuyên ngành làm khó doanh nghiệp

ANTD.VN - Tình trạng một mặt hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2-3 bộ vẫn chiếm một nửa, có mặt hàng thậm chí còn để 2-3 cục trong cùng một bộ kiểm tra.

Đây là một thực tế được chuyên gia chỉ ra tại Hội nghị Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” do Bộ Tài chính tổ chức sáng nay, 24/7 tại Hà Nội.

“Mừng rơi nước mắt” vì nhiều thủ tục được cắt giảm

Nói về những nỗ lực của các bộ ngành trong việc cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, nhiều doanh nghiệp đã “mừng rơi nước mắt” vì một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành làm khổ đơn vị nhiều năm đã thay đổi.

Theo ông, vài năm gần đây, số mặt hàng hàng phải kiểm tra đã giảm khoảng 4.000 mặt hàng (từ hơn 82.000 xuống còn trên 78.000). Tuy nhiên, việc cắt giảm đôi lúc chỉ với nhóm có số lượng mặt hàng ít. Còn lại, nhóm có lượng mặt hàng lớn lại chưa được điều chỉnh. “Thế nên nhiều khi báo cáo bộ, ngành cắt giảm lớn nhưng chưa chắc đã đạt được mục tiêu, vì các mặt hàng đó thuộc nhóm ít phải kiểm tra chuyên ngành”.

Vị chuyên gia cũng nêu thực trạng kiểm tra trùng lắp vẫn tồn tại. Việc một mặt hàng chịu 2-3 bộ kiểm tra vẫn chiếm tới một nửa. Hoặc, có tình trạng, một mặt hàng bị 2-3 cục trong cùng 1 bộ kiểm tra.

Ông Cung cũng cho biết, hiện có khoảng 350 văn bản quy định về kiểm tra chuyên ngành. “Khi yêu cầu các bộ sửa thông tư liên quan thì các bộ nói rằng không sửa được vì đó là quy định trong luật thế nhưng họ lại không kiến nghị sửa luật”.

Vì vậy, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần nhìn một cách tổng thể hơn, không chỉ dừng lại ở rà soát như bấy lâu nay mà có thể phải sửa ngay từ luật.

Nhiều thủ tục làm khó doanh nghiệp đã được cắt giảm, nhưng chưa đáp ứng kỳ vọng doanh nghiệp

Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng khá nhiều bộ ngành đã tích cực cắt giảm, tuy nhiên vẫn có một số cơ quan “ngại tham khảo ý kiến của chúng tôi”.

“Chúng tôi muốn làm ăn chân chính, chỉ khi có năng lực cạnh tranh khỏe mới cạnh tranh được. Các nước liên tục vận động trong khi nỗ lực của doanh nghiệp bị một số bộ ngành kéo lại” ông Nguyễn Hoài Nam nói và cho biết doanh nghiệp thường xuyên có cảm giác ức chế mà ức chế nhiều lần sẽ làm mất niềm tin.

“Khi ban hành văn bản, tôi mong được cầu thị, Bộ Tài chính, hải quan luôn coi chúng tôi là đối tác hơn là đối tượng, hoặc khi gửi email sẽ được giải quyết mà không cần công văn, dấu đỏ” – ông Nam kiến nghị.

Nhà đầu tư đến Việt Nam phải như về nhà

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu một số vấn đề các bộ, ngành cần cải thiện để tạo thuận lợi thương mại. Điển hình là việc các bộ, ngành triển khai thực hiện các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa cao, mới triển khai 53/280 thủ tục, đạt 20%.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ngoài ra, Thủ tướng còn chỉ ra tình trạng trên nói, nhưng phía dưới nhiều khi không thực hiện. “Tôi nói nhiều trên này nhưng dưới không hành động. Các bộ phận vẫn còn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích, để doanh nghiệp đi lại mất thời gian, họ kêu nhiều lắm”.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp.

“Việt Nam phải là nơi thực thi tốt các cam kết quốc tế. Người dân, doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch tới Việt Nam phải có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất, để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà mình”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.