Thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành vẫn làm khó doanh nghiệp

ANTD.VN - Bình luận về các thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp, TS Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép. Do đó, khi gặp những vướng mắc, doanh nghiệp, chuyên gia phải tìm kỹ ở các quy định, lấy đó làm cơ sở trao đổi, đấu tranh đến cùng.

Doanh nghiệp chưa hết khó với các thủ tục hải quan

Ngày 13-6, CIEM phối hợp với Dự án GIG của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo "Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: cải cách quy định và thủ tục hành chính trong quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu".

Đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết 19 trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa trong những năm qua, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện cho biết, thời gian thông quan hàng hoá đối với hàng xuất khẩu còn 70 giờ và hàng nhập khẩu là 90 giờ.

Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) và các Bộ cơ bản hoàn thành và đi vào sử dụng. Bên cạnh đó, một số thủ tục hải quan đã được giải quyết như: thủ tục xét miễn thuế đã được bãi bỏ, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát hải quan đã được điện tử hoá.

Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Bình cũng chỉ ra nhiều thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng hiện chưa giải quyết căn bản vướng mắc về xác định giá trị, tham vấn xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

"Đây là vấn đề lớn nhất, gây nhiều phản ứng, bức xúc nhất của doanh nghiệp đối với hải quan"- chuyên gia GIG nhấn mạnh.

Bình luận về ý kiến trên, TS Nguyễn Đình Cung cho hay, về nguyên tắc, cơ quan Nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép. Do đó, khi gặp những vướng mắc, doanh nghiệp, chuyên gia phải tìm kỹ ở các quy định, lấy đó làm cơ sở trao đổi, đấu tranh đến cùng.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, cần hạn chế tối đa những "điểm mờ" trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp không chỉ sạt nghiệp mà còn có thể dính án phạt, bởi doanh nghiệp có thể sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng"- ông Nguyễn Đình Cung nói.