Thu hồi được tài sản bảo đảm, nhiều ngân hàng vẫn tiến thoái lưỡng nan

ANTD.VN - Nghị quyết 42 đã góp phần quan trọng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu khi các ngân hàng có được những cơ chế thuận lợi hơn trong thu giữ tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, tảng băng nợ xấu chưa dễ bị phá tan, khi từ thu giữ tài sản bảo đảm đến việc xử lý tài sản để thu hồi vốn vẫn là chặng đường dài.

Thu được tài sản nhưng không dễ thu tiền

Thời gian vừa qua các ngân hàng ráo riết phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ năm 2012 đến tháng 7/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 794.200 tỷ đồng nợ xấu.

Đặc biệt, trong vòng 1 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, toàn hệ thống đã xử lý được 141.300 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, đơn vị này đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp. Tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100 nghìn tỷ đồng trên tổng số 227 nghìn tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý.

Dù Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho ngân hàng nhưng việc thu hồi nợ xấu chưa phải đã được gỡ rối. Đơn cử như  trường hợp VAMC sau khi “nổ phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản giá trị  7.000 tỷ đồng của Sài Gòn One Tower theo Nghị quyết 42 hồi tháng 8/2017. Tuy nhiên, đến nay khối tài sản này vẫn chưa bán được vì nhiều lý do.

Tương tự, đối với khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú - thuộc đối tượng xử lý theo quy định của Nghị quyết 42, BIDV đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty này (thay vì bán tài sản), nhưng đến nay, BIDV vẫn chưa thu hồi được nợ.

Hay như trường hợp Sacombank thanh lý 3 lô đất tại khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, sau hai lần rao bán thất bại và phải giảm giá gần 900 tỷ đồng thì ngân hàng mới bán được nhưng lại phải chấp nhận cho bên bán trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn hai năm đầu, chi phí trả chậm 7,5%.

Tiến thoái lưỡng nan

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm là dự án Tokyo Tower để xử lý các khoản nợ của chủ đầu tư và đơn vị phân phối.

Nhiều ngân hàng thu hồi được tài sản bảo đảm nhưng không dễ phát mại để thu tiền về

Hiện nay, phía ngân hàng cho biết đã tìm kiếm, chào mời được một số chủ đầu tư có nhu cầu đối với dự án này. Tuy nhiên vấn đề phát sinh là liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng đối với các khách hàng mua nhà khi PVCombank chính là ngân hàng bảo lãnh cho dự án này.

Trong cuộc họp mới đây nhất, dù phía ngân hàng đã đưa ra tới 3 phương án giải quyết quyền lợi với các cư dân mua nhà, trong đó khách hàng có thể lựa chọn chờ đợi nhận nhà, hoặc thu hồi vốn đã nộp cho chủ đầu tư bằng việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ cho đối tác, nhưng nhiều cư dân vẫn không đồng tình.

Họ cho rằng đã phải chịu thiệt vì khoản lãi lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể sẽ phải chịu các khoản thuế, phí nếu chuyển nhượng cho đối tác để thu hồi lại vốn. Còn trong trường hợp nhận lại nhà thì lại chưa có cam kết rõ ràng nào về thời hạn bàn giao nhà...

Có thể thấy, thời gian qua những tranh chấp liên quan đến việc thu hồi tài sản bảo đảm xảy ra khá phổ biến. Không chỉ tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng mà còn liên quan đến bên thứ ba như trường hợp PVCombank. Trong khi đó, theo quy định, điều kiện tài sản đảm bảo được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, dẫn đến nhiều ngân hàng thu hồi được tài sản nhưng không dễ phát mại để thu lại tiền.

Không chỉ vậy, việc phát mại tài sản bảo đảm còn gặp hàng loạt khó khăn khác như: nhiều tài sản trong hợp đồng nhận thế chấp không đúng thực tế; giá trị hợp đồng thế chấp cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản… Có những bất động sản chỉ khoảng vài chục tỷ đồng nhưng đã được nhân viên viên ngân hàng cấu kết với khách hàng định giá lên đến hàng trăm tỷ đồng để ăn chia chênh lệch.

Những trường hợp này khiến ngân hàng tiến không được, lùi không xong, thu được tài sản bảo đảm mà không thể phát mại để thu tiền về. Tình trạng này dấy lên nhiều lo lắng, khi nhìn vào các báo cáo tài chính các ngân hàng trong năm nay cho thấy con số nợ xấu vẫn không ngừng “dềnh” lên. Mục tiêu đến năm 2020, nợ xấu toàn hệ thống phải về dưới mức 3% đang là một thách thức lớn.