Thoái vốn, giảm sở hữu chéo ngân hàng: Khó do đâu?

ANTD.VN - Đến nay, sau gần 4 năm Thông tư 36 có hiệu lực, một số ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được các quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Với diễn biến thị trường chứng khoán bất lợi như hiện nay, khả năng quá trình thoái vốn của các ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước đã c hỉ đạo quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau

Mục tiêu giảm sở hữu chéo chưa “cán đích” 

Theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-2-2015, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng. Lộ trình cho các ngân hàng đáp ứng quy định này là 1 năm kể từ ngày Thông tư 36 có hiệu lực. 

Có thể thấy thời gian gần đây, các ngân hàng đã cấp tập thoái vốn khỏi các TCTD khác để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36. Có thể kể đến các thương vụ thoái vốn của Vietcombank tại SaigonBank, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) và mới đây là Ngân hàng Phương Đông - OCB. BIDV đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners cho công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu. Còn  VietinBank đã giảm bớt sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai. 

Ngoài ra, một số ngân hàng cổ phần khác như Eximbank từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cũng đã thoái toàn bộ vốn (hơn 8%) đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB của Sacombank bằng phương thức khớp lệnh trên sàn.

Tuy nhiên, đến nay sau gần 4 năm Thông tư 36 có hiệu lực thì nhiều ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được những giới hạn tại Thông tư này. Theo số liệu mới nhất được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng công bố thì đến nay, ngành ngân hàng vẫn còn 1 cặp  TCTD trực tiếp sở hữu nhau (giảm từ 7 cặp năm 2012); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần. Số lượng TCTD có cổ đông tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ cũng vẫn còn 4 TCTD.

Thị trường bất lợi

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo sẽ không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank - mã CK EIB) do Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu vào ngày 22-10 tới. Lý do là đã hết thời hạn đăng ký và đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Do vậy theo quy định thì cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức. 

Trước đó vài ngày, phiên đấu giá cổ phần Ngân hàng Quân đội (MBBank - mã MBB) do Vietcombank sở hữu cũng trong tình cảnh “ế ẩm” khi chỉ có 1 nhà đầu tư trúng thầu với 10.000 cổ phần trên tổng số hơn 53 triệu cổ phần được đem ra bán đấu giá. Hiện Vietcombank đang nắm hơn 126 triệu cổ phiếu của MBBank, tương đương 6,97% vốn điều lệ) và trên 101 triệu cổ phiếu Eximbank (tương đương gần 8,2% vốn).

Việc thoái vốn khỏi MB, Eximbank cũng như nhiều đợt thoái vốn được Vietcombank thực hiện trong suốt thời gian qua nhằm đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về sở hữu chéo. Theo quy định tại Thông tư 36, mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng với tỉ lệ sở hữu quá 5%. Trước đó, Vietcombank cũng đã liên tiếp thoái vốn tại các ngân hàng khác như SaigonBank, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) và mới đây là Ngân hàng Phương Đông - OCB.

Tương tự, một số ngân hàng khác thời gian gần đây cũng đẩy mạnh thoái vốn. VietinBank cũng đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thống nhất chủ trương bán toàn bộ hơn 15,1 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn của Saigonbank. Hay Eximbank từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cũng đã thoái vốn tại Sacombank thông qua bán cổ phiếu trên sàn và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn dưới 5%.

Bất lợi đến từ thị trường

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Tuy nhiên, do việc thoái vốn còn phụ thuộc vào việc tìm đối tác và việc nắm giữ vốn ở các ngân hàng chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước đang thực hiện lộ trình cơ cấu lại, cổ phần hóa nên cũng phải chọn thời điểm, giá cả để đảm bảo lợi ích của Nhà nước. “Những vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã nhận biết và theo chỉ đạo của Chính phủ tại đề án 1058, chúng tôi đã yêu cầu các TCTD này và xây dựng lộ trình phương án cơ cấu lại từng ngân hàng từ nay đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo cũng như sở hữu vượt quy định” - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết. 

Có thể thấy, một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc thoái vốn giữa các TCTD là sự đi xuống của thị trường chứng khoán trong nhiều tháng trở lại đây. Điều này có thể nhìn thấy rõ trong thương vụ thoái vốn của Vietcombank tại 2 ngân hàng MB và Eximbank mới đây. Cụ thể, trong phiên đấu giá cổ phiếu MB ngày 15-10, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư cá nhân trúng giá với tổng số cổ phần bán được là 10.000 trên tổng số 53,4 triệu cổ phiếu mà Vietcombank rao bán. Số tiền mà Vietcombank thu về từ lần đấu giá này chỉ là 219 triệu đồng, khác xa so với dự tính là 1.048 tỷ đồng.

Ế ẩm hơn với cổ phiếu Eximbank, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã buộc phải hủy phiên đấu giá cổ phiếu này của Vietcombank, do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc mà không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Giải thích cho tình trạng này, các chuyên gia cho rằng bất lợi chủ yếu đến từ sự suy giảm chung của thị trường chứng khoán.

Tính đến nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán đã giảm mạnh, mất khoảng 1/4 giá trị so với mức đỉnh được thiết lập hồi tháng 4. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chịu tác động nặng nề, có ngân hàng mất tới gần 40% thị giá cổ phiếu sau hơn nửa năm. Trong khi đó, việc chào bán cổ phiếu với giá ngang bằng, thậm chí cao hơn giá thị trường thời điểm đấu giá khiến nhà đầu tư càng thờ ơ hơn. 

Cổ phiếu ngân hàng còn hấp dẫn?

Tuy nhiên, ngoài bất lợi từ thị trường chứng khoán thì nhiều chuyên gia cũng cho rằng đến thời điểm này, cổ phiếu ngân hàng đã không còn đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.  Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), trên thực tế nếu cổ phiếu ngân hàng đủ hấp dẫn thì ngay cả khi giá chào bán cao hơn giá thị trường thì các phiên đấu giá vẫn thu hút được nhà đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư muốn sở hữu lượng cổ phiếu lớn tại ngân hàng (vì mua trực tiếp khối lượng lớn trên sàn sẽ khó khăn hơn). “Nhưng rõ ràng ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay không còn thấy sự hào hứng của các nhà đầu tư. Họ không đánh giá cao sự tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay. Không nhìn thấy sự hiện diện của nhà đầu tư chiến lược trên thị trường” - ông Phan Dũng Khánh nói.  

Theo các chuyên gia, sự kém hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng thời điểm này không chỉ đến từ việc nhóm cổ phiếu này đã tăng trưởng quá nóng trong vài năm trở lại đây, mà còn đến từ nội lực các ngân hàng. Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào số liệu nợ xấu trong báo cáo tài chính quý III-2018 của các ngân hàng, những con số đều tăng rất mạnh. “Chỉ có 2 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm, còn lại tăng rất mạnh, có ngân hàng tăng gấp đôi luôn. Chưa kể báo cáo tài chính quý chưa được kiểm toán, nếu qua kiểm toán, tôi nghĩ số liệu thực tế sẽ không dừng lại ở những con số mà ngân hàng tự nhận” - một chuyên gia chứng khoán cho hay. Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng việc thoái vốn ngân hàng để giảm sở hữu chéo sẽ không dễ xúc tiến trong thời gian tới.