Thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Có thêm 3 tỷ USD đầu tư

ANTĐ - Chính phủ vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chọn thời điểm thích hợp để báo cáo Thủ tướng, quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn như Vinamilk, FPT... Theo các chuyên gia, việc thoái vốn là cần thiết trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn, đồng thời là bước đi nhằm thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế. 

Thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn: Có thêm 3 tỷ USD đầu tư ảnh 1Việc thoái vốn sẽ mang lại một khoản tiền lớn dành cho đầu tư

Theo phương án được phê duyệt, SCIC sẽ thoái hết vốn khỏi 10 doanh nghiệp gồm: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh (Nhà nước nắm 50,7% vốn); Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk (45,1%); Công ty CP FPT (6%); Công ty CP Viễn thông FPT (50,2%); Công ty CP Nhựa Bình Minh (38,4%); Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (37,1%); Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%)... 

Ước tính, khi thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp trên, Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng việc thoái hết 45,1% cổ phần tại Vinamilk có thể mang lại cho ngân sách thêm 2,4 tỷ USD.

Trước đó, Ủy ban Tài chính  - Ngân sách của Quốc hội đã cơ bản nhất trí với đề nghị bán bớt cổ phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp để thu về khoảng 30.000 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan tỏa lớn. 

Bình luận về bước đi của Chính phủ trong việc thoái vốn nêu trên, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, đây không phải là quyết định bất ngờ. Chương trình thoái vốn của Chính phủ nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm và năm nay đã là năm cuối trong lộ trình đó. 

“Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng như thoái vốn không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, tiến độ cổ phần hóa cũng như thoái vốn hiện diễn ra khá chậm, trong khi chỉ còn vài tháng nữa là đã đến hạn chót. Nếu đẩy nhanh được quá trình, Chính phủ sẽ thu về được một số tiền đáng kể, phục vụ hiệu quả cho công tác thu ngân sách”, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Cũng theo các chuyên gia, thoái vốn đồng nghĩa với việc chuyển giao cho tư nhân nắm giữ các doanh nghiệp nói trên và tư nhân là khu vực được đánh giá cao hơn về hiệu quả sử dụng vốn so với khu vực Nhà nước. Thoái vốn sẽ góp phần phân bổ lại nguồn lực thực tế và cũng giúp đạt được nhanh hơn mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Nguyễn Thế Minh - Trưởng Phòng phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá: “Việc thoái vốn sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi hẳn sang cơ chế quản lý tư nhân với những điều chỉnh để hoạt động tốt hơn. Cùng với đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư”. 

“Các tổ chức nước ngoài rất ưa thích các cổ phiếu của Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh... nhưng không thể mua được vì không còn room. SCIC thoái vốn đồng nghĩa với việc đưa ra thị trường một khối lượng cổ phiếu rất lớn. Như vậy, chỉ có những tổ chức lớn trong và nước ngoài mới có thể hấp thụ. Vì vậy, các nhà đầu tư đang kỳ vọng tỷ lệ nới room tại từng doanh nghiệp nói trên sẽ sớm được công bố”, ông Minh phân tích. 

Bên cạnh việc tạo ra những kỳ vọng nêu trên, ông Minh cũng chỉ ra rằng, yêu cầu thoái vốn được đưa ra trong bối cảnh huy động vốn trái phiếu Chính phủ thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn nên động thái này là đúng đắn. Đặc biệt, khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì yêu cầu hỗ trợ và đầu tư cũng nhiều hơn. 

Về diễn biến trên thị trường, sau khi thông tin được công bố, cổ phiếu của các doanh nghiệp nói trên đã có phiên tăng mạnh, tuy nhiên, sau đó, tác động tâm lý cũng dần yếu đi. Theo chuyên gia của VCSC, sau khi giá cổ phiếu tăng, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời khiến đà tăng yếu đi. Rõ ràng, thông tin thoái vốn tác động rất tích cực tới các doanh nghiệp này, nhưng mức độ sẽ lớn hơn ở trung và dài hạn.