Thoái 4,35 tỷ USD vốn Nhà nước, thị trường có hấp thụ được?

ANTD.VN - Từ nay đến năm 2020, Nhà nước đã “lên lịch” thoái vốn tại 132 công ty, nguồn cung cổ phiếu trên thị trường sẽ tăng đột biến trong thời gian tới. Liệu sức cầu thị trường có đủ khả năng hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu này?

Thoái 4,35 tỷ USD vốn Nhà nước, thị trường có hấp thụ được? ảnh 1Khả năng hoàn thành kế hoạch thu 60.000 tỷ từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ

Nguồn cung tăng đột biến

Thực tế thị trường cho thấy, nguồn cung cổ phần đang gia tăng từ nay đến cuối năm do nhiều nguồn khác nhau. Đầu tiên là từ nguồn doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến hết tháng 9-2017 mới có 11 trong tổng số 44 doanh nghiệp thuộc Danh mục doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoàn thành cổ phần hóa năm 2017. Như vậy, lượng doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa từ nay đến cuối năm còn lớn, trong số này, có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ thì trong phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần, hoặc nắm giữ với tỷ lệ rất thấp ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Trước đó, dù có tới 96,5% số DNNN đã được cổ phần hóa theo kế hoạch nhưng chỉ 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. 

Nguồn cung cổ phần lớn thứ hai là Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty khẩn trương đưa gần 747 doanh nghiệp đã cổ phần hóa lên sàn chứng khoán tập trung. Theo Bộ Tài chính, sau khi tiếp tục rà soát, lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa lên sàn còn tăng cao hơn con số này.

Một nguồn cung nữa là Nhà nước đang thúc đẩy thoái vốn ở các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán. Trong đó 3 “ông lớn” đang được giới đầu tư đặc biệt chú ý là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội… Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), mức thoái vốn của Chính phủ tại các DNNN từ nay đến năm 2020 là khoảng 4,35 tỷ USD. Do đó, để thị trường hấp thụ được nguồn cung khổng lồ này, cần có nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài.

Thị trường có hấp thụ được?

Sắp tới, dự kiến ngày 10-11, SCIC sẽ chính thức chào bán 3,33% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) do SCIC làm đại diện chủ sở hữu. Trước đó, SCIC đã có 3 buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk (roadshow), trong đó có 2 buổi roadshow tại Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).

“Chúng ta không ngại thị trường không hấp thụ được nếu khai thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Năm nay, chúng ta bán được các doanh nghiệp lớn, tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư sẽ vào. Nếu tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thì khối lượng cổ phiếu này không phải là không hấp thụ được”.

Ông Đặng Quyết Tiến (Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc phụ trách SCIC cho biết, buổi roadshow tại Singapore đã có 24 nhà đầu tư quan tâm, tại Hồng Kông (Trung Quốc) có 11 nhà đầu tư. Trong số những nhà đầu tư quan tâm có những quỹ đầu tư tài chính lớn như Blackrock, JPMorgan, Wellington… Điều này cho thấy, nếu chúng ta có doanh nghiệp tốt, có sự chuẩn bị kỹ càng, minh bạch thì sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn chứ không rơi vào cảnh ế ẩm. Các chuyên gia cho rằng quan trọng là cổ phiếu đó có hấp dẫn được nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng hiện tỷ lệ vốn hóa của thị trường chứng khoán/tổng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam mới khoảng 30-35%, trong khi nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đều trên 100%. Điều này có nghĩa, lượng vốn tiềm tàng trong dân còn rất lớn và nếu biết cách khơi thông nguồn vốn này thì việc hấp thụ 100.000-200.000 tỷ đồng Nhà nước thoái vốn là việc dễ dàng.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết thêm, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ các đợt cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại Việt Nam để có cơ hội mua được số lượng lớn cổ phần. Vì vậy, nếu chúng ta có những doanh nghiệp tốt, thì sẽ không phải lo tìm người mua.

Ở khía cạnh quản lý Nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng cho rằng chúng ta không ngại thị trường không hấp thụ được nếu khai thông được dòng vốn đầu tư nước ngoài. “Năm nay, chúng ta bán được các doanh nghiệp lớn, tạo lòng tin cho nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư sẽ vào. Nếu tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia thì khối lượng cổ phiếu này không phải là không hấp thụ được”, ông Đặng Quyết Tiến nói. 

Khơi thông nguồn vốn

Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, trước đây nhà đầu tư nước ngoài quan ngại khi mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam vì trong giai đoạn 2011-2015 ta mới chỉ có từng phương án riêng lẻ được công bố dẫn đến nhà đầu tư không biết lập kế hoạch để chuẩn bị. Vì vậy, việc công bố về danh mục, lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN vừa rồi của Chính phủ đã giúp cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài có được những thông tin rõ ràng, minh bạch lựa chọn.

Để khắc phục bất cập của một số quy định hiện hành, cũng như tạo cơ chế thông thoáng nhằm hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia quá trình thoái vốn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc cho thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính đề xuất phương thức bán vốn ngoài sàn thông qua cơ chế đấu giá công khai, tương tự như cách SCIC đang áp dụng, điển hình là thương vụ thoái vốn nhà nước tại VNM. Với các doanh nghiệp mà Nhà nước có tỷ lệ thoái vốn lớn, Bộ Tài chính đề xuất cho phép áp dụng cách bán vốn theo phương thúc dựng sổ (book building).

Nếu thực hiện phương thức bán đấu giá công khai không thành công hoặc không bán hết số lượng cổ phần cần bán, Bộ Tài chính đề xuất cách thoái vốn theo phương thức chào bán cạnh tranh nhằm tìm kiếm nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu bán hết số lượng cổ phần tương ứng với số vốn mà Nhà nước đã đầu tư tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện phương thức thỏa thuận. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trực tiếp thỏa thuận với nhà đầu tư khi chào bán cạnh tranh không thành công trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ tham gia.

Một vướng mắc nữa là theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp cổ phần hóa có nghĩa vụ cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện. Vướng mắc này cũng sẽ được gỡ bỏ bởi quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NĐ-CP, sẽ giảm thời gian quy định không chuyển nhượng cổ phần được mua từ 5 năm xuống còn 3 năm. Theo đại diện Bộ Tài chính, điểm khác biệt trong định hướng sửa đổi chính sách lần này là sẽ tạo cơ chế thoái vốn thông thoáng, minh bạch, đồng thời thoái vốn với tỷ lệ lớn, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư làm chủ doanh nghiệp hậu thoái vốn để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia.

Tính đến hết tháng 9-2017, việc thoái vốn Nhà nước mới thu được 12.099 tỷ đồng, bằng 20,1% kế hoạch năm. Cụ thể, theo kế hoạch, tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước theo nghị quyết của Quốc hội là 60.000 tỷ đồng, nhưng hết tháng 9 mới thu về 12.099 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 683,8 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 11.415,5 tỷ đồng. Hiện Bộ Tài chính, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện để đạt kế hoạch đề ra. Dự kiến, sẽ có nhiều thương vụ thoái vốn được chốt trong quý IV nhưng mục tiêu thu đủ 60.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa và thoái vốn về cho ngân sách Nhà nước vẫn còn bỏ ngỏ.