Thịt lợn được nhập khẩu tự do: Giải trừ mối lo thiếu thịt dịp cuối năm

ANTD.VN - Thị trường thịt lợn tại miền Bắc hiện đã chững lại ở mức cao sau chuỗi ngày tăng giá chóng mặt. Theo tính toán, từ nay tới cuối năm, thị trường trong nước sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn cho tiêu dùng. Tuy nhiên, thịt lợn không phải là mặt hàng cần hạn ngạch, các doanh nghiệp được nhập khẩu tự do từ 24 quốc gia khác nhau.

Thịt lợn được nhập khẩu tự do: Giải trừ mối lo thiếu thịt dịp cuối năm ảnh 1Thị trường được nhận định sẽ thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn

Xấp xỉ 6 triệu con lợn phải tiêu hủy vì dịch

Số liệu thống kê từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, tính đến ngày 25-11, số xã có dịch tả lợn châu Phi là 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh. Số lượng lợn chết và tiêu hủy khoảng 5,9 triệu con, chiếm 338.000 tấn. Đến nay, có khoảng 4.823 xã đã qua 30 ngày hết dịch mà không tái dịch, chiếm 56%. Đáng nói, trong tháng 11 có 146 xã phát hiện dịch quay trở lại với tổng số 134.000 con lợn bị chết và tiêu hủy. Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận, dịch tả châu Phi vẫn chưa dừng lại và sẽ còn diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm dù với cường độ thấp hơn. Dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi, chưa bao giờ ngành nông nghiệp lại phải trải qua sự thiệt hại lớn đến như vậy.

Riêng trên địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội có 1,8 triệu con lợn, chỉ đứng sau Đồng Nai. Nhưng từ ngày 24-2, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại một hộ ở Long Biên với 24 con lợn bị nhiễm bệnh thì đến nay tổng đàn lợn đã giảm khoảng 30%, chi phí tiêu hủy, hỗ trợ tốn khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Hà Nội đang có 113 xã bị tái dịch trở lại, nhưng quy mô nhỏ, số lượng ít. 

Nhận định về việc chống dịch tả lợn châu Phi của Việt Nam có bị “vỡ trận” khi dịch chỉ giảm do đàn lợn trong dân gần như… đã hết? Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Đây là nhận định không đúng. Chúng ta đã vào cuộc rất quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các Bộ, ngành... Thế giới có bài học gì Việt Nam đều đúc kết đưa về cho người chăn nuôi. Chúng ta khá chủ động, có văn bản chỉ đạo, có diễn tập, kịch bản ứng phó. Tuy nhiên, bệnh này có tính chất phức tạp, nằm ngoài khả năng kiểm soát”. Đáng nói, kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam vẫn bình ổn được thực phẩm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng của năm 2019 chưa vượt con số 3, trong đó có đóng góp rất lớn của ngành hàng thực phẩm. Đó là sự cố gắng rất lớn, trong đó có cả sự vất vả, quyết liệt của doanh nghiệp, người chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân  Dương khẳng định: “Chúng ta đã làm hết khả năng. Các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc… dù có ngành chăn nuôi phát triển cũng đã xảy ra dịch bệnh. Tôi tạm thấy hài lòng về sự cố gắng của chúng ta và kết quả chống dịch”.

Thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn

Đại dịch tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung thịt lợn trên cả nước sụt giảm. Ông Dương cho hay, qua các cuộc họp liên ngành như NN&PTNT, Công Thương, Tài chính… xác định, từ nay đến cuối năm, lượng thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Tuy vậy, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, Bộ NN&PTNT chắc chắn tìm mọi cách để đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước. “Việt Nam là nước nông nghiệp, không thể chỉ đi nhập khẩu thịt về ăn. Chúng ta cực chẳng đã mới phải nhập để không thiếu nguồn cung và ảnh hưởng đến CPI” - lãnh đạo Cục Chăn nuôi bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi cách không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là doanh nghiệp, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn, hiện nay chúng ta đang đứng thứ 6, thậm chí có lúc là thứ 4 thế giới về lợn. Bộ NN&PTNT xác định tăng sản xuất các loại vật nuôi an toàn là gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản... Lựa chọn này là khoa học, phải tái cơ cấu cả về sản xuất ngành chăn nuôi, kết hợp tuyên truyền để tái cơ cấu cả bữa ăn hàng ngày, không quá lệ thuộc vào một mặt hàng thực phẩm.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là tái đàn, nhưng không ồ ạt để tránh tái dịch. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có văn bản chỉ đạo mở rộng quy mô đàn ở những vùng, cơ sở an toàn dịch. Những vùng bị dịch mà muốn tái đàn thì sau 30 ngày hết dịch phải kiểm tra không có mầm bệnh, kiểm soát được vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Dương nhận định, thịt lợn không chỉ thiếu từ nay đến Tết Nguyên đán mà còn kéo dài sau đó một thời gian. Đặc biệt, nếu sau Tết mà không tái đàn thì sẽ không thể đủ nguồn cung. Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ  Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thừa nhận, vì nguyên nhân thiếu này đã tác động đến giá với người tiêu dùng. Ở góc độ thị trường cũng phải nhìn nhận, nơi nào nguồn cung thiếu thì giá cao, có nơi sẽ tăng cục bộ. 

Để đảm bảo ngay lượng thịt lợn thiếu hụt, Bộ NN&PTNT đã thống nhất với ngành Công Thương, đề xuất hướng nhập khẩu trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại cuộc họp mới đây về bình ổn giá thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi, người tiêu dùng. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, hiện nay việc nhập khẩu thịt lợn do các doanh nghiệp tự quyết, không cần phải xin hạn ngạch và cũng có đến 24 quốc gia Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn. Nếu các doanh nghiệp quan tâm, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT hỗ trợ nhập khẩu. Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, việc nhập khẩu thịt lợn cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Song hiện nay, giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, nguồn cung thế giới cũng có thể thiếu theo. Nếu thịt nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá cũng không rẻ. “Chúng tôi sẽ có phối hợp với các bên kiểm soát, nhập khẩu sản phẩm thực sự tốt mà không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của chúng ta” - ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.

Giá thịt lợn hơi đang chững

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, giá thịt lợn khoảng gần 1 tuần qua trên thị trường miền Bắc đã có dấu hiệu chững lại. Giá thịt lợn hơi tại miền Bắc ngày 30-11 vẫn ổn định ở mức 70.000 đồng - 73.000 đồng/kg. Cụ thể như tại Hà Nam, thủ phủ chăn nuôi lợn của miền Bắc, giá lợn hơi đang ở mức 73.000 - 74.000 đồng/kg, tuy nhiên, sức mua hơi chậm. Giá lợn hơi tại Hưng Yên cũng giảm nhẹ, xuống còn 73.000 đồng/kg. Tại nhiều địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ... giá lợn hơi dao động trong khoảng 70.000 - 74.000 đồng/kg.

Trong khi giá lợn hơi cả 3 miền chững lại thì giá thịt lợn tại các siêu thị vẫn tăng 10-15% so với trước, mức trung bình là 150.000 đồng/kg; tại các chợ bán lẻ khu vực TP.HCM tăng 10 - 20%. Còn giá thịt lợn nhập khẩu chỉ dao động trong khoảng 44.000 - 48.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá trong nước. Theo nhận định, mức chênh lệch này có thể thúc đẩy doanh nghiệp gia tăng nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới. Theo Tổng cục Thống kê, do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, giá mặt hàng này và thực phẩm chế biến từ thịt lợn tăng cao đã khiến CPI tháng 11-2019 tăng 0,96%, mức tăng được đánh giá là cao nhất 9 năm gần đây. Tuy nhiên, bình quân 11 tháng của năm 2019 CPI chỉ tăng 2,57%, so với cùng kỳ năm 2018 thì mức tăng này lại thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Giá thịt lợn tăng khiến giá thịt quay, giò chả tăng 5,99%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,59%; nội tạng động vật tăng 7,92%; mỡ ăn tăng 18,69%. Do giá thịt tăng cao người dân chuyển sang tiêu dùng các mặt hàng thay thế là thịt bò, thịt gia cầm, thủy hải sản. Bên cạnh đó, do đúng mùa cưới nên cũng là tác nhân khiến giá các mặt hàng này tăng. Giá thực phẩm tăng kéo theo giá cơm suất bình dân tăng 0,63%, giá nước uống ngoài gia đình tăng 0,4%. 

Phó Thủ tướng chỉ đạo bằng mọi cách không để thiếu thịt, nhất là thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, nhưng phải đảm bảo được lợi ích các bên là doanh nghiệp, người chăn nuôi, giữ ổn định thị trường. Việt Nam không dễ có được ngành hàng thịt lợn, hiện nay chúng ta đang đứng thứ 6, thậm chí có lúc là thứ 4 thế giới về lợn.