Thị trường thép: Giá tăng, sức tiêu thụ nội địa không giảm

(ANTĐ) - Mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam đã cảnh báo các doanh nghiệp thép trong nước, nếu tiếp tục tăng giá bán thì khả năng cạnh tranh của thép nội sẽ giảm so với thép ngoại, tuy nhiên các công ty thép phía Nam vừa tiến hành tăng giá bán lần thứ 2 trong tháng 8 vẫn với lý do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ xung quanh vấn đề này.

Thị trường thép: Giá tăng, sức tiêu thụ nội địa không giảm

(ANTĐ) - Mặc dù Hiệp hội Thép Việt Nam đã cảnh báo các doanh nghiệp thép trong nước, nếu tiếp tục tăng giá bán thì khả năng cạnh tranh của thép nội sẽ giảm so với thép ngoại, tuy nhiên các công ty thép phía Nam vừa tiến hành tăng giá bán lần thứ 2 trong tháng 8 vẫn với lý do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng. Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ xung quanh vấn đề này.

- Với lần tăng giá bán này, giá thép sản xuất trong nước đang cao hơn bao nhiêu so với thép ngoại, thưa ông?

- Ông Nguyễn Tiến Nghi: Phần lớn thép trong nước giá cao hơn bởi ngành thép Việt Nam còn non trẻ, đầu tư vào ngành thép trong những năm vừa rồi không phải là đầu tư công nghệ tiên tiến. Các thiết bị đều dưới mức trung bình, quy mô nhỏ, manh mún. Tất cả các yếu tố này đều dẫn đến giá thành cao. WTO cũng phải công nhận là ngành thép của Việt Nam còn lạc hậu nên họ cho chúng ta lộ trình có thuế bảo hộ.

Hiện tại rất khó để biết thép Việt Nam đang đắt hơn thép nhập ngoại bao nhiêu tiền/tấn. Trước đây, thép Asean vào Việt Nam rẻ hơn từ 500.000-700.000 đồng/tấn. Bây giờ thép này đã ít đi rồi, do giá tăng lên nên nhà nhập khẩu phải tìm được lô hàng giá rẻ mới nhập hoặc nhập ít.


“Năm nay, ngành thép đặt ra kế hoạch, tăng trưởng của cả năm là từ 3-5%. Nhưng 8 tháng đầu năm, ngành đã có tốc độ tăng trưởng hơn 10%. Dự báo, sản lượng thép tháng 8, tháng 9 sẽ giảm so với trước đó, nhưng chắc chắn vượt qua mức trung bình (300.000 tấn/tháng). Từ tháng 10 đến hết năm lại đến mùa xây dựng, sản lượng thép tiêu thụ lại tăng. Như vậy, cả năm, ngành thép có thể tăng trưởng từ 18-20%, vượt mục tiêu đề ra. Sự tăng trưởng này hoàn toàn nhờ vào thị trường nội địa”
- Ông Nguyễn Tiến Nghi cho biết.

- Hình như Hiệp hội Thép đã cảnh báo với các doanh nghiệp, nếu cứ tăng giá, sức cạnh tranh của thép nội sẽ giảm?

- Ông Nguyễn Tiến Nghi: Hiện tại, giá thép tại các nước cũng bắt đầu tăng do những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, chứ không riêng gì Việt Nam.

Trong kinh doanh phải rất mềm dẻo. Thời điểm nào thấy giá vọt lên cao thì có thể bán. Năm 2008, khi giá phôi trên thế giới vọt lên mà các công ty sản xuất phôi trong nước không được phép nâng giá bán. Người ta tìm đường xuất đi thì mình tìm cách hãm lại. Giá thế giới hạ xuống thì lập tức trong nước ế thừa. Thị trường trong nước và thị trường thế giới liên thông với nhau, không nên lo thiếu thép nếu xuất khẩu.

- Ước lượng 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu tấn thép?

- Ông Nguyễn Tiến Nghi: Chúng tôi chưa có tổng kết lượng thép xuất khẩu 8 tháng, nhưng khả năng là thấp hơn so với năm ngoái. Thép vẫn chủ yếu là tiêu thụ trong nước. Trước đây, Việt Nam hay xuất khẩu thép sang Campuchia, thị trường gần TP Hồ Chí Minh nhưng năm nay, thép Thái Lan và thép Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường này do họ có giá rẻ hơn. Thực ra, thép Việt Nam đang bán tại Campuchia là để giữ thị trường, quảng bá sản phẩm chứ không có lãi.

- Giữa tháng 7, có tài liệu cho rằng, giá thép cuộn tại nhà máy bán ra đắt hơn giá thực tế sau khi cộng nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng giá từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu  đồng/tấn?

- Ông Nguyễn Tiến Nghi: Đây là thông tin tham khảo, tính lỗ lãi từ giá bán trung bình khác. Nguyên liệu nhập khẩu không phải về nhà máy ngay được, có thứ nhập vài tháng mới đến nơi thì tình hình đã chuyển biến khác. Hiện tại, nhiều công ty thép vẫn lỗ bởi họ còn tồn kho thép phế giá cao nhiều. Chỉ cắt 1-2 tháng để nói ngành thép lỗ lãi là chưa toàn diện, mà phải nhìn tổng thể cả năm.          

- Hiệp hội đã phát hiện trường hợp đại lý nào tự ý tăng giá bán chưa?

- Ông Nguyễn Tiến Nghi: Rất khó phát hiện bởi vì phần lớn đại lý và các doanh nghiệp sản xuất mua đứt bán đoạn với nhau. Việt Nam có hình thức bán chậm trả. Doanh nghiệp sản xuất không làm được điều đó, chậm trả thì mất vốn, dễ bị “băng”. Bởi vậy, mua đứt bán đoạn với đại lý thì trích hoa hồng là việc khác, đại lý muốn nợ là phải có tài sản thế chấp. Bộ Công Thương nhiều lần đặt vấn đề là làm thế nào cho lưu thông văn minh, lịch sự ít trung gian để đến người tiêu dùng giá giảm, nhưng chưa thực hiện được.

Vân Hằng

(Thực hiện)